Lấn chiếm đất trái phép, xây dựng nhà ở Tuy Phước: Sao lại nương tay ?
Dù chưa được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ - sổ đỏ), nhưng một số hộ dân ở thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành (Tuy Phước) vẫn tự ý lấn chiếm đất để cơi nới, xây dựng nhà ở. Đáng nói, diện tích lấn chiếm thuộc phần đất của bàu Nước Cơm - có tác dụng tiêu thoát nước cho khu dân cư vào mùa mưa lũ.
Xem thường pháp luật
Gần đây, dư luận tại 2 thôn Cảnh An 1, Cảnh An 2 (xã Phước Thành) xì xào bàn tán việc 4 hộ dân ở thôn Cảnh An 1 gồm các ông: Nguyễn Kim Anh, Trần Văn Tú, Nguyễn Tấn Bá và bà Trần Thị Thúy tự ý lấn chiếm một phần diện tích đất thuộc bàu Nước Cơm để cơi nới, xây dựng 4 căn nhà kiên cố, đồ sộ. Cuối tháng 8.2015, PV Báo Bình Định tìm về thôn Cảnh An 1 để tìm hiểu sự việc.
Căn nhà của bà Thúy được xây dựng khá đồ sộ.
Đúng như dư luận đã phản ảnh, việc xây dựng 4 căn nhà kể trên đã cơ bản hoàn thành; các hộ dân đều lấn ra phần diện tích đất thuộc khu vực bàu Nước Cơm để cơi nới, xây dựng nhà. Để khắc phục độ sâu chênh lệch giữa phần đất thuộc bàu Nước Cơm với phần đất phía trước (giáp quốc lộ 19C), 4 hộ đổ trụ bê tông, sau đó xây dựng nhà ở không gian phía trên - cách mặt đất khoảng 2m, 3m - tương tự kết cấu nhà sàn. Việc 4 căn nhà đồ sộ “mọc” ở phần không gian phía trên bàu Nước Cơm khiến không ít người dân địa phương vừa bức xúc, vừa lo lắng.
Một hộ dân ở thôn Cảnh An 1 (xin không nêu tên), cho biết: Cả 4 căn nhà chỉ cách trụ sở UBND xã Phước Thành một quãng ngắn. Nên không thể nói chính quyền địa phương không biết quá trình lấn chiếm, xây dựng trái phép. Vấn đề là tại sao họ lại để sự việc diễn ra như vậy mà không kiểm tra, ngăn chặn. Năm 2014, 2 trong số 4 hộ lấn chiếm đất để cơi nới, xây dựng nhà ở đã được xã họp xét duyệt, chứng thực và huyện đã cấp sổ đỏ. Do phần diện tích đất được cấp sổ đỏ nằm trong phạm vi bàu Nước Cơm nên nhiều người dân địa phương nghi ngờ tính hợp pháp của việc xét cấp GCN QSDĐ cho 2 hộ này.
“Họ lấn chiếm đất để cơi nới, xây dựng nhà được thì những trường hợp khác cũng sẽ “bắt chước” làm theo. Nếu ai cũng chiếm dụng phần đất thuộc bàu Nước Cơm để xây nhà thì vô cùng nguy hiểm, bởi sẽ ảnh hưởng xấu đến việc tiêu thoát nước vào mùa mưa lũ. Lẽ ra UBND xã Phước Thành phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý tới nơi tới chốn những trường hợp này, đằng này lại chứng nhận để huyện cấp sổ đỏ là bất minh” - ông K. một người dân ở thôn Cảnh An 2, nêu ý kiến.
Vì sao UBND xã Phước Thành không kiểm tra, ngăn chặn (?)
Qua tìm hiểu được biết, 4 căn nhà đều nằm trên diện tích đất thuộc tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại thôn Cảnh An 1. Trong đó, nhà, đất của ông Nguyễn Kim Anh và Trần Văn Tú đã được UBND huyện Tuy Phước cấp GCN QSDĐ theo diện nhà ở xây dựng trên đất lấn chiếm trước tháng 7.2004. Riêng trường hợp của ông Nguyễn Tấn Bá và Trần Thị Thúy, đất của 2 hộ này sau khi trừ phần diện tích hành lang an toàn đường bộ thì không đủ hạn mức (dưới 40m2) để xét cấp GCN QSDĐ.
Theo ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, thì: 4 trường hợp trên đều thuộc diện lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở từ trước năm 2000. Tuy nhiên, do địa phương không xử lý dứt điểm nên tồn tại đến hôm nay. 4 hộ này, sau đó tiếp tục cơi nới ra phía sau, lấn chiếm không gian bàu Nước Cơm để xây dựng nhà. Việc xét cấp GCN QSDĐ cho ông Anh, ông Tú được UBND xã thực hiện đúng thủ tục, quy trình; trong đó, ông Anh được xét duyệt theo Quyết định 15 của UBND tỉnh, còn ông Tú theo diện dự án VLAP.
Ông Đạt cũng thừa nhận, các hộ dân đã lợi dụng thời gian xã, huyện tổ chức đại hội Đảng để cơi nới, xây dựng nhà. Xã chưa kịp xử lý thì các căn nhà đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh(?!). “Trường hợp của ông Bá và bà Thúy, sắp tới, xã sẽ cử cán bộ kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo đúng quy định pháp luật”, ông Đạt nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, UBND xã Phước Thành, UBND huyện Tuy Phước, các phòng, ban liên quan, ngành chức năng nên sớm làm sáng tỏ những nghi vấn của người dân địa phương xung quanh việc xét cấp sổ đỏ cho ông Anh, ông Tú; làm rõ việc lấn chiếm trái phép không gian bàu Nước Cơm; cần xử lý kiên quyết đối với trường hợp lấn chiếm, xây dựng của ông Bá, bà Thúy. Việc xử lý nghiêm khắc một mặt thể hiện tính công minh của pháp luật, vừa ngăn chặn những trường hợp tương tự. Bên cạnh đó, tránh dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương.
VĂN LỰC