KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH VĂN HÓA (28.8.1945 - 28.8.2015)
Những đóng góp của ngành văn hóa Bình Định
Theo suốt những chặng đường kháng chiến gian khổ và hào hùng, ngành văn hóa Bình Định luôn tập trung động viên tinh thần yêu nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân. Sau ngày đất nước thống nhất, ngành văn hóa tiếp tục có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Trưởng thành trong kháng chiến
Trong những năm tháng kháng chiến, sự ra đời của Đoàn Tuồng Liên khu V, Đoàn Văn công Giải phóng, Đội Chiếu bóng lưu động, Trường Bồi dưỡng cán bộ… đã tạo điều kiện cho các thế hệ đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa của tỉnh vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù, lặn lội phục vụ khắp các chiến trường từ vùng giải phóng, căn cứ cách mạng, đến vùng địch tạm chiếm và nơi tuyến đầu ác liệt nhất.
Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê là một trong những công trình tiêu biểu của ngành văn hóa tỉnh nhà.
Ông Nguyễn An Pha, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, hồi tưởng: “Tại thôn Vinh Kiên, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, ban đêm địch dồn dân về khu dồn, đoàn công tác phải nằm hầm bí mật. Ban ngày đồng bào về làm đồng, có ám hiệu của đồng bào thì anh chị em mới lên công sự mật. Các tổ du kích, bộ đội bố trí các chốt điểm để đề phòng địch, các tổ khác mời đồng bào tập trung để tuyên truyền và phục vụ văn nghệ. Địa điểm biểu diễn của chúng tôi thường là một sân rộng nhà dân…”.
Lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ cùng với những hoạt động tuyên truyền qua các ấn phẩm văn hóa, điện ảnh, triển lãm đã góp phần động viên tinh thần chiến sĩ, đồng bào xông lên tiêu diệt kẻ thù, góp phần đánh bại các âm mưu và chiến lược chiến tranh của địch. Nhờ sự che chở, đùm bọc của đồng bào trong những năm tháng cam go, ác liệt nhất, các chiến sĩ văn hóa đã anh dũng, kiên trung phục vụ kháng chiến, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà.
Tiếp tục nỗ lực trong xây dựng và phát triển
Sau giải phóng, ngành văn hóa Bình Định tiếp tục chung tay thực hiện những nhiệm vụ mới rất quan trọng đó là hàn gắn vết thương chiến tranh, đấu tranh chống tàn dư văn hóa phản động của chế độ cũ, xây dựng các thiết chế văn hóa mới từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa mới và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật luôn được tổ chức kịp thời, nhạy bén phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng khang trang, trang bị hoàn thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, các ngành triển khai thực hiện rộng rãi, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 338.063 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm tỉ lệ 90,4%); 778 làng, thôn, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa (chiếm tỉ lệ 69,4 %)...
Những đóng góp của ngành văn hóa tỉnh Bình Định đã được ghi nhận qua những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1978; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1984; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2013…, cùng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, Bộ VH-TT &DL”.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc luôn được chú trọng. Trong đó, nghệ thuật hát bội, bài chòi Bình Định được tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nổi bật là Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đặc biệt, nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ quốc gia về “Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung” đã được Bộ VH-TT&DL trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều di tích lịch sử cách mạng đã và đang được đầu tư xây dựng. Đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ tỉnh nhà ngày càng được bổ sung, đào tạo bài bản hơn để thực hiện hiệu quả công việc, sáng tạo tác phẩm phong phú, chất lượng. Các đơn vị văn hóa, nghệ thuật có tiền thân hình thành từ thời kháng chiến tiếp tục phát huy nền tảng truyền thống để từng bước phát triển. NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Đào Tấn, cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, di sản nghệ thuật tuồng Đào Tấn đã được chú trọng bảo tồn. Ý thức được vai trò và trách nhiệm, tập thể cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát chúng tôi đã không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn để phục dựng, dàn dựng nhiều vở tuồng hay phục vụ nhân dân...”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT &DL, khẳng định: “Thời gian tới, ngành văn hóa phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy thành tích, khắc phục những mặt yếu kém, đề cao tinh thần trách nhiệm. Tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa. Kiên quyết bài trừ các tệ nạn xã hội; bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển ổn định và đi vào chiều sâu…”.
HOÀI THU