Mở rộng đối tượng được tập luyện phục hồi chức năng
Theo kết quả điều tra về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2015 của Sở Y tế, toàn tỉnh có 29.425 người khuyết tật được điều tra và lập phiếu thông tin cá nhân. Trong đó, có 3.137 người có nhu cầu tập phục hồi chức năng (PHCN), 5.404 người cần dụng cụ PHCN. Có thể nói PHCN tại cộng đồng đang là vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội.
Còn nhiều hạn chế
Bắt đầu từ đầu năm 2015, thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Bệnh viện PHCN tỉnh và Tổ chức VNAH (Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam), đã có 306 người khuyết tật ở huyện Hoài Ân và Phù Cát được hỗ trợ tập luyện PHCN. Bên cạnh đó, có 306 người nhà của người khuyết tật và 69 kỹ thuật viên PHCN cộng đồng cũng được hỗ trợ kỹ thuật. Theo ông Bùi Tiến Sỹ, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, hoạt động này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong công tác đào tạo, giúp kỹ thuật viên và người nhà thực hành đúng trong quá trình hướng dẫn người khuyết tật tập luyện PHCN.
Tập luyện PHCN tại Bệnh viện PHCN tỉnh.
Từ khi nhận nhiệm vụ của kỹ thuật viên PHCN, công việc của anh Nguyễn Thanh Trung - cán bộ phụ trách mảng xã hội của UBND xã Ân Phong - có phần vất vả hơn. “Để hướng dẫn đối tượng và người nhà biết cách tập luyện, tôi phải đến nhà vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, để họ còn lao động sản xuất. Bù lại, tôi rất vui khi chứng kiến sự tiến bộ của từng người”, anh Trung chia sẻ.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh Trung, em Đặng Phan Hy (9 tuổi, ở thôn An Hậu, bị hẹp khớp háng, teo cơ tay - chân) đã có nhiều tiến bộ. Chị Phan Thị Huế, mẹ của Hy, tâm sự: “Ngày qua ngày, nhìn thấy con ngày càng cử động tốt hơn mà mừng muốn rớt nước mắt!”.
Tuy nhiên, số đối tượng có chuyển biến vẫn chưa nhiều. Kết quả khảo sát cho thấy, sau 6 tháng tập luyện, chỉ có 178/306 người khuyết tật có cải thiện chức năng vận động, đạt tỉ lệ 58,2%. Bên cạnh đó, nhận thức về tập PHCN của người khuyết tật và người nhà còn nhiều hạn chế, nhiều đối tượng chỉ muốn được hỗ trợ về kinh tế hơn là kỹ thuật PHCN.
Cần nhiều thay đổi
Trong số 29.425 người khuyết tật đã được ngành Y tế điều tra và theo dõi, có đến 15.466 người khuyết tật về vận động. Đây là số đối tượng cần tập trung của công tác PHCN. Tuy nhiên, trên thực tế, số đối tượng được hướng dẫn và tham gia PHCN vẫn còn rất hạn chế. Phó Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh Trần Ngọc Chánh cho hay, trên địa bàn xã hiện có trên 80 người khuyết tật ở nhiều mức độ. Song, chỉ có 10 người được hướng dẫn tập luyện PHCN.
Phó Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh Võ Ngọc Phải cho rằng, việc mở rộng đối tượng được PHCN tại cộng đồng phụ thuộc khá nhiều vào các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức phi chính phủ. Để nâng cao số lượng đối tượng được hỗ trợ, chúng ta phải tạo được niềm tin cho các tổ chức quốc tế.
Thời gian tới, bên cạnh phát triển công tác khám chữa bệnh tại cơ sở, chúng tôi sẽ chủ động tham gia các dự án của các tổ chức phi chính phủ về hỗ trợ cho người khuyết tật và khắc phục hậu quả chiến tranh, PHCN cho người khuyết tật; trong đó đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực PHCN tại cộng đồng.
Bác sĩ VÕ NGỌC PHẢI, Phó Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh
“Việc chọn đối tượng người khuyết tật để đưa vào chương trình hướng dẫn PHCN chưa đảm bảo, dẫn đến xác định nhu cầu tập luyện của người khuyết tật chưa chính xác. Có những người khuyết tật đã hội nhập xã hội hay có thể hoạt động độc lập nhưng các bài tập vẫn không đổi. Hầu như người bệnh chỉ tập mạnh cơ trong khi kỹ thuật viên không hướng dẫn về hoạt động trị liệu, đặc biệt là các hoạt động sống hàng ngày như tập ăn, tập mặc áo quần... Những bài tập cần cho chức năng như tập thăng bằng thì chưa được hướng dẫn. Đây là nguyên nhân khiến người khuyết tật dù đã đi lại được nhưng đi không vững”, bác sĩ Phải phân tích.
Mặt khác, các trung tâm PHCN ở cơ sở có các dụng cụ cơ bản phục vụ cho người khuyết tật tập luyện. Tuy nhiên, tại nhà của một số người khuyết tật chưa có các dụng cụ tập luyện chủ yếu, chưa được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp như gậy, xe lăn, xe lắc…
Bên cạnh đó, nhân lực của công tác PHCN còn thiếu và yếu cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động hướng dẫn tập luyện PHCN. Phần lớn cộng tác viên PHCN cho người khuyết tật chưa được đào tạo bài bản kiến thức về PHCN. “Là đơn vị được giao công tác chỉ đạo tuyến về PHCN, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, nhất là đối với lĩnh vực PHCN”, bác sĩ Phải khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG