Thêm nhiều bệnh nhân được điều trị chứng đau dây thần kinh số 5
Sau khi Báo Bình Định số ra ngày 7.7.2015 thông tin về 2 ca phẫu thuật điều trị đau dây thần kinh số 5 tại khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh), đã có thêm nhiều bệnh nhân được phát hiện đúng bệnh và điều trị thành công chứng bệnh này.
Đến chiều 26.8, sức khỏe của bệnh nhân Hà Minh Lợi (68 tuổi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đã hồi phục tốt sau 1 ngày được phẫu thuật giải ép vi mạch điều trị chứng đau dây thần kinh số 5.
Bệnh nhân Hà Minh Lợi được theo dõi sau phẫu thuật (ảnh chụp chiều 26.8).
Cách đây 7 năm, ông Lợi bắt đầu bị đau nhức vùng mắt và hàm bên trái, không nhai nuốt nổi. Được các bác sĩ chẩn đoán bị đau dây thần kinh số 5, ông đã điều trị nhiều nơi, từ Bình Định đến TP Hồ Chí Minh. Ban đầu, mỗi ngày ông chỉ uống 1 viên Tegretol (Carbamazepine) - thuốc chống động kinh cục bộ, điều trị đặc hiệu đau dây thần kinh số 5. Sau đó, phải tăng liều dần, đến mức 7,5 viên/ngày, trong khi liều cao nhất theo khuyến cáo chỉ là 6 viên/ngày. Gần đây, khi cơn đau tăng cao, đến mức không há miệng, nhai nuốt được, kèm theo tác dụng phụ là chứng hồi hộp, ông mới vào BVĐK tỉnh để phẫu thuật.
Theo Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống Đào Văn Nhân, dây thần kinh số 5 có 3 nhánh, khi nhánh 1 bị chèn gây đau từ mắt đến trán, nhánh 2 gây đau từ mắt đến hàm trên, nhánh 3 gây đau vùng hàm dưới. Trường hợp bị chèn nhánh 1 như ông Lợi là rất hiếm. Trong tuần trước, bác sĩ Nhân cũng đã trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhân bị chèn nhánh 3 của dây thần kinh số 5 theo hướng nội khoa. Cả 2 đều khởi liều với mức 2 viên Tegretol/ngày. Bệnh nhân cũng được khuyến cáo không nhổ răng, trừ khi có bằng chứng răng hư rõ rệt.
Bên cạnh đó, cũng có 2 bệnh nhân ở tận Bắc Ninh và Quảng Ninh liên hệ trực tiếp với bác sĩ Nhân để hỏi về các triệu chứng tương tự như đau dây thần kinh số 5. “Tôi đã tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có chuyên khoa ngoại thần kinh để thuận tiện cho việc điều trị”, bác sĩ Nhân cho hay.
Đau dây thần kinh số 5 là chứng bệnh phổ biến, nhưng lại hiếm khi được phát hiện sớm và chính xác. Người dân có nhu cầu tư vấn về điều trị chứng bệnh này có thể liên hệ với bác sĩ Đào Văn Nhân qua địa chỉ email daovannhan2004@yahoo.com.
MAI LÂM