Nhân lên niềm vui
Những ngày này, khu nhà mổ của BVÐK tỉnh rộn ràng, hối hả hẳn lên. 200 bệnh nhân ở khắp các địa phương trong tỉnh đã về đây để được các bác sĩ, chuyên gia y khoa của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và đoàn “Phẫu thuật nhân đạo” của Hội Phẫu thuật Nụ cười Trẻ thơ Hàn Quốc phẫu thuật miễn phí.
Trong 2 ngày 31.5 và 1.6, các bác sĩ đã khám, phân loại khuyết tật cho 462 người. Qua sàng lọc, có 200 người (2/3 là trẻ em) mắc các dị tật khe hở môi, vòm miệng, các dị tật sụp mí mắt bẩm sinh, các sẹo xấu biến dạng môi mũi sau mổ, vòm miệng cũ, các dị tật bàn tay, bàn chân đủ điều kiện được chỉ định phẫu thuật.
Các bác sĩ Hàn Quốc thực hiện phẫu thuật cho một bệnh nhi bị dị tật vùng mặt.
Chia sẻ khó khăn
Hoạt động phẫu thuật được bắt đầu từ 2.6. Số lượng bệnh nhân đông nên 6 bàn mổ phải hoạt động cùng lúc. Theo Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Ngọc Lâm, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tùy theo tính chất của dị tật mà có ca mổ chỉ diễn ra trong 15-20 phút, cũng có ca kéo dài 2-3 giờ. Những bệnh nhân mắc các sẹo, khối u nhỏ, người có sức khỏe tốt đều được xuất viện ngay. Với những bệnh nặng như khe hở môi, vòm miệng, dính ngón tay cần ghép da thì phải nằm viện khá lâu.
“Kết quả khám sàng lọc cho thấy số người mắc các dị tật ở vùng mặt, bàn tay, bàn chân ở Bình Định là rất lớn. Qua khám sàng lọc, nhiều người chưa đủ điều kiện sức khỏe, một số mắc các dị tật phức tạp nên chưa thể phẫu thuật đợt này, có thể sẽ thực hiện vào năm sau”, bác sĩ Lâm cho hay.
Không chỉ là một hoạt động từ thiện mang ý nghĩa xã hội lớn, đợt phẫu thuật này còn là cơ hội để đội ngũ y- bác sĩ Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường giao lưu, học hỏi về chuyên môn. Theo Giáo sư Kim Baek-kyu, bác sĩ chính của đoàn “Phẫu thuật nhân đạo”, đây cũng là dịp để tình hữu nghị Việt - Hàn thêm bền chặt.
Cùng với 27 y- bác sĩ, Hội Phẫu thuật Nụ cười Trẻ thơ Hàn Quốc còn mang sang Việt Nam nhiều máy móc, thiết bị trị giá khoảng 13 triệu won (1.000 won tương đương 18.607 đồng). Trong đó, nhiều thiết bị có giá trị như máy gây mê, máy đốt, máy theo dõi bệnh nhân… “Sau đợt phẫu thuật, gần như tất cả số máy móc, thiết bị này sẽ được tặng lại cho địa phương. Chúng tôi muốn chia sẻ những khó khăn với các bạn”, Giáo sư Kim cho biết.
Bên cạnh các bác sĩ, nhân viên y tế, đoàn Phẫu thuật Nụ cười Trẻ thơ Hàn Quốc còn có các thành viên của nhóm Sunny - tập hợp sinh viên y khoa ở Hàn Quốc. Kim Sun-wook, một thành viên của Sunny, cho biết: “Sang Việt Nam lần này, chúng tôi thực hiện các đoạn phim ngắn về đề tài người khuyết tật, nhất là nạn nhân của chiến tranh. Chúng tôi hy vọng, khi các đoạn phim này được chiếu ở Hàn Quốc, sẽ thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều người dành cho các bạn”.
Nhờ được chuẩn bị chu đáo, nhiều bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa vẫn được tham gia đợt phẫu thuật nhân đạo này. Anh Lâm Văn Tiến, ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, cho biết: “Nhận được thông báo con được khám, mổ miễn phí, vợ chồng tôi rất mừng, vội sắp xếp việc nhà đi ngay”. Lâm Nhật Tân, 4 tuổi, con trai của anh Tiến bị sụp mí mắt bẩm sinh, mỗi lần muốn quan sát phải rướn mắt lên rất khổ sở.
Một điều đáng lưu ý là, phần lớn trẻ được phẫu thuật miễn phí đều thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Như bé Đào Thị Tuyết Hoa, 3 tuổi, bị hở hàm ếch, là con út trong gia đình có 5 chị em ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ. Hay trường hợp bé Nguyễn Khánh Huyền (3 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) có 4 ngón của bàn tay phải dính liền nhau từ lúc mới sinh ra. Năm ngoái, gia đình bé Huyền phải chạy vạy mới gom được 28 triệu đồng để đưa bé đi phẫu thuật tách ngón tay; nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. “Hỏi thăm nhiều người, được biết chi phí của lần phẫu thuật thứ hai cho con nhiều lắm. May mà lần này cháu được mổ miễn phí!”, chị Nguyễn Thị Ngọc Hồng, mẹ của bé Huyền, chia sẻ.
Có khá nhiều bệnh nhi phải phẫu thuật điều trị các dị tật không chỉ một lần. Tô Ái Ngân, 2 tuổi, ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước là một trong số đó. Ngân bị hở hàm ếch từ lúc mới sinh ra, đã mổ vào năm ngoái. Sau đợt mổ vào sáng 3.6, sang năm Ngân còn phải mổ thêm lần nữa. Chị Đoàn Thị Minh Nguyệt, mẹ của bé Huyền, tâm sự: “Tôi làm thợ may ở nhà, chồng làm thợ sắt, thu nhập bấp bênh, nếu không có các đợt phẫu thuật từ thiện như thế này, chắc chúng tôi không kham nổi chi phí điều trị dài ngày cho con”.
NGUYỄN VĂN TRANG