KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TƯ PHÁP (28.8.1945-28.8.2015)
Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp: Tăng cường năng lực, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh
Ðây là mục tiêu hướng đến của ngành Tư pháp nhằm đáp ứng chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, từ xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật đến kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp (28.8.1945-28.8.2015), ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, đã trao đổi thêm với PV Báo Bình Ðịnh về những giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của ngành.
* Trước hết, ông có thể đánh giá một cách tổng quan những kết quả đạt được của ngành Tư pháp thời gian qua. Trong đó, theo ông, đâu là những thành tích nổi bật?
- Thời gian qua, cán bộ, công chức, người lao động của ngành đã nỗ lực, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính.
Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định trên 100 văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, góp ý 138 văn bản, trong đó có 77 văn bản của Trung ương và 61 văn bản của địa phương; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các quy định về hộ tịch, về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, về thi hành án dân sự.
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, 69 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (TGPL) trong toàn tỉnh đã thực hiện TGPL lưu động 270 đợt cho 33.440 người, tư vấn 5.741 vụ việc, tham gia tố tụng 715 vụ việc. Trên lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính đã đề xuất UBND tỉnh bãi bỏ 89 thủ tục hành chính.
Kết quả của các mặt công tác tư pháp đã giúp UBND tỉnh tăng cường năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành trên các mặt phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính sách, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
* Hiện nay, ngành Tư pháp đang quản lý nhiều lĩnh vực, đầu việc nên không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Theo ông, đâu là những điểm yếu trong công tác quản lý, điều hành của ngành hiện nay và hướng khắc phục trong thời gian đến?
- Trước đây, ngành Tư pháp được giao 29 nhiệm vụ. Từ ngày 22.12.2014, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, theo đó ngành Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới trên nhiều lĩnh vực như: công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác pháp chế, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nhiệm vụ giao thêm nhưng ngành không được bổ sung biên chế, nên đội ngũ công chức, viên chức còn mỏng về số lượng, chất lượng cũng không đồng đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, không được trang bị máy tính nối mạng internet, nhất là cấp cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, từ ngày 1.1.2016, khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải thực hiện thêm nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ tịch trên phần mềm dùng chung kết nối trên toàn quốc.
Để khắc phục điểm yếu nói trên, hiện chúng tôi đã rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, huyện và sắp tới sẽ đề xuất UBND tỉnh có kế hoạch đào tạo, cán bộ tư pháp, hộ tịch xã phường tối thiểu phải đạt trình độ trung cấp Luật và một số kỹ năng cơ bản khác. Theo tôi, những điểm yếu trên được khắc phục sớm sẽ góp phần tăng cường năng lực cho ngành, tiến tới xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh.
* Được biết, thời gian qua UBND tỉnh thành lập tổ công tác mà Sở Tư pháp cũng tham gia với tư cách là thành viên để hỗ trợ thực hiện quản lý dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đây là một lĩnh vực tương đối mới, vậy Sở Tư pháp đã có giải pháp gì để đáp ứng nhiệm vụ này?
- Ngay từ đầu năm 2015, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã cử cán bộ có đủ năng lực, trình độ để tham gia Tổ công tác giúp việc cho nhóm công tác liên ngành. Không những vậy, cán bộ này còn là cầu nối giữa tỉnh và Bộ Tư pháp tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp về mặt pháp luật. Thời gian vừa qua, các ý kiến tham gia, góp ý của Sở Tư pháp đều được các sở, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao như: Tham gia ý kiến trong việc cấp Giấy phép đầu tư cho Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Victory; rà soát các quy định liên quan đến ưu đãi đầu tư để vừa đảm bảo thu hút đầu tư vừa đảm bảo chính sách của tỉnh phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, Sở Tư pháp còn cử cán bộ tham gia tổ công tác liên ngành và tổ giúp việc để giúp UBND tỉnh rà soát các vấn đề pháp lý liên quan đến trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng, nội dung hợp đồng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, hạn chế các tranh chấp phát sinh trong quá trình triển khai dự án, làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư cũng như của UBND tỉnh khi đàm phán các dự án BT, BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) như: Dự án đường Điện Biên Phủ; Dự án Khu Đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa, Dự án tuyến đường Long Vân - Long Mỹ, Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước Hà Thanh…
* Cảm ơn ông!
THU HÀ (Thực hiện)