70 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH LĐ-TB&XH (28.8.1945 - 28.8.2015)
Ðảm bảo an sinh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội
70 năm đi cùng đất nước và tỉnh nhà, ngành LÐ-TB&XH đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành LÐ-TB&XH, PV Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH.
* Xin ông chia sẻ về kết quả hoạt động của ngành LĐ-TB&XH tỉnh nhà trong những năm qua?
Sau 70 năm xây dựng và phát triển, ngành LĐ-TB&XH đã giành được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh. Những năm qua, các mục tiêu, định hướng lớn thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH đề ra trong Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh và định hướng chung của Bộ LĐ-TB&XH đều được triển khai và đạt nhiều kết quả. Kết thúc kế hoạch 5 năm (2011-2015) toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 126.350 lao động, bình quân 25.270 người/năm, đạt tỉ lệ 101% chỉ tiêu đề ra, giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 4,9% (đạt mục tiêu đề ra), tỉ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn nghề bình quân hàng năm tăng 2%, đến năm 2015 đạt 46,04% (vượt chỉ tiêu đề ra).
Trên lĩnh vực người có công, ngành nỗ lực thực hiện công tác xác nhận, chi trả trợ cấp, phụ cấp kịp thời, đúng đối tượng; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp mộ, quản lý tất cả nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh; huy động các doanh nghiệp, các nhà từ thiện hỗ trợ 100% hộ gia đình người có công xây dựng và sửa chữa nhà ở. Đồng thời, triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 cho 100% đối tượng trong diện rà soát; thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Ngành đã chủ động phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các chính sách, giải pháp, đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 13,56% (năm 2011), xuống còn 6,25% (năm 2015). Người nghèo cơ bản được hỗ trợ sản xuất, y tế, giáo dục; các xã nghèo được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội, quản lý chăm sóc trên 600 đối tượng xã hội trong các cơ sở bảo trợ; đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới...
* Những yếu tố nào góp phần làm nên kết quả này, thưa ông?
Công tác LĐ-TB&XH là một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ hàng trăm ngàn người lao động, gia đình có công với cách mạng, đối tượng yếu thế. 70 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm vững các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội để nỗ lực thực hiện có hiệu quả. Điều này được khẳng định qua từng thời kỳ lịch sử.
Sở LÐ-TB&XH đã vinh dự được Ðảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen và Cờ Thi đua của Bộ LÐ-TB&XH, nhiều Bằng khen của UBND tỉnh.
Từ tháng 8.1962 - khi tổ chức tiền thân của ngành LĐ-TB&XH Bình Định là đơn vị nuôi dưỡng thương binh K445 ra đời, đến khi thành lập Ban Thương binh tỉnh và các trại trực thuộc - dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng với ý chí và tinh thần cách mạng cao, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh trên các chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, 34 cán bộ của Ban Thương binh đã hy sinh; hơn 40 người bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành LĐ-TB&XH bắt tay ngay vào việc thực hiện những nhiệm vụ quan trọng và phức tạp xuất phát từ yêu cầu của tình hình mới. Công tác lao động phải tập trung đưa hàng trăm ngàn lao động từ đô thị về nông thôn khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp; tuyển dụng lao động phục vụ khôi phục công nghiệp, thủ công nghiệp; vận động, đưa hàng chục ngàn hộ dân đi các vùng kinh tế mới trong và ngoài tỉnh. Công tác thương binh, xã hội tập trung vào hướng dẫn lập thủ tục xác nhận các đối tượng có công với cách mạng, thực hiện các chính sách ưu đãi, quy tập hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ. Công tác xã hội chú trọng giải quyết hậu quả của xã hội cũ như tệ nạn mại dâm, ma túy, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Từ năm 1986 đến nay, trước chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, ngành LĐ-TB&XH kịp thời thích ứng với nhiệm vụ mới, nhanh chóng tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp để thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Những năm qua, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục làm tròn nhiệm vụ chăm lo cho gia đình chính sách, đối tượng yếu thế, góp phần xoa dịu những mất mát, đau thương.
- Trong ảnh: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Vinh Quang (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thiện.
* Ngành LĐ-TB&XH đã đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ gì trong thời gian tới?
Bước vào những tháng cuối cùng của Kế hoạch 5 năm (2011-2015) và “trước thềm” chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016-2020, ngành LĐ-TB&XH nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu: giải quyết việc làm mới bình quân 28.000 - 32.000 lao động/năm; 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo giảm nghèo bền vững, hạn chế hộ tái nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 - 2% mỗi năm; tỉ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 56%.
* Xin cảm ơn ông!
Sự hình thành và phát triển của ngành LÐ-TB&XH Bình Ðịnh
Năm 1962, tiền thân Ban Thương binh Bình Ðịnh là đơn vị K445 (thuộc Tỉnh đội) ra đời, với nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh và tự túc sản xuất. Năm 1965, Ban Thương binh Bình Ðịnh được thành lập (chuyển từ Tỉnh đội sang dân chính quản lý). Từ năm 1965 - 1975, Ban Thương binh thành lập các đơn vị trực thuộc để phục vụ nuôi dưỡng thương binh (gồm: E445, E545, E645, E745, E845, E945), tiếp nhận và chăm sóc trên 3.000 thương binh. Ðầu năm 1976, cùng với quyết định thành lập tỉnh Nghĩa Bình, Ty Thương binh và Xã hội Nghĩa Bình hình thành, vừa chăm lo cho đối tượng người có công, vừa thực hiện chính sách xã hội. Năm 1982, Ty Thương binh và Xã hội Nghĩa Bình đổi thành Sở Thương binh và Xã hội Nghĩa Bình.
Trong khi đó, sau ngày 31.3.1975, Ty Lao động Bình Ðịnh mới được hình thành với nhiệm vụ chủ yếu nắm tình hình lực lượng lao động trên địa bàn, các nhà máy, xí nghiệp, huy động dân công phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất. Ðầu năm 1976, cùng với quyết định thành lập tỉnh Nghĩa Bình, Ty Lao động Nghĩa Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ty Lao động hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh. Từ năm 1982, Ty Lao động Nghĩa Bình đổi thành Sở Lao động Nghĩa Bình.
Tháng 1.1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình ban hành quyết định hợp nhất Sở Lao động và Sở Thương binh và Xã hội thành Sở LÐ-TB&XH. Cuối năm 1989, tái lập hai tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Ðịnh, thành lập Sở LÐ-TB&XH Bình Ðịnh, là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội.
Hiện, Sở LÐ-TB&XH có 8 phòng chuyên môn và 10 đơn vị trực thuộc, 343 cán bộ, công nhân viên.
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)