KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC (28.8.1945 - 28.8.2015)
Xây dựng chính quyền vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Ngành Tổ chức Nhà nước Việt Nam (nay là ngành Nội vụ) được thành lập ngay từ những ngày đầu khi nhân dân ta có được Chính phủ lâm thời năm 1945 (28.8.1945). Trong thành quả chung của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, đều luôn có dấu ấn của công tác tổ chức và cán bộ. Ngành Nội vụ Bình Ðịnh phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử và cũng đã có những đóng góp đáng ghi nhận.
1.
Tại Bình Định, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, công tác tổ chức CB của tỉnh được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Khu ủy khu 5.
Sau ngày giải phóng 30.4.1975, công tác tổ chức bộ máy, CB, CC thuộc khu vực Nhà nước được chuyển giao từng bước từ sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy qua UBND tỉnh. Để giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tổ chức CB, xây dựng chính quyền, Đảng bộ tỉnh đã thành lập Phòng Tổ chức cán bộ UBND cách mạng tỉnh Bình Định. Nhiệm vụ chủ yếu của Phòng là tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các ngành, các cấp, đoàn thể thực hiện công tác xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng các cấp ở địa phương; xây dựng đội ngũ CB, thực hiện chính sách CB và quản lý biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp trong toàn tỉnh.
Trước yêu cầu về công tác tổ chức nhà nước ở địa phương và thực hiện hướng dẫn của Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ về công tác tổ chức nhà nước, ngày 6.12.1976, Ban Tổ chức, sau đó đổi tên thành Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, được thành lập, đặt dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Cách mạng ngày càng phát triển, yêu cầu đối với công tác tổ chức nhà nước cấp tỉnh ngày càng cao, mô hình Ban Tổ chức chính quyền tỉnh không còn phù hợp. Vì vậy, tháng 12.2003, căn cứ Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ra quyết định đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thành Sở Nội vụ.
2.
Trong quá trình phát triển, Sở Nội vụ Bình Định đã từng bước được giao bổ sung chức năng nhiệm vụ và điều chỉnh cơ cấu tổ chức cho phù hợp với thực tiễn. Đến nay, Sở Nội vụ đã trở thành sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, từ tổ chức bộ máy nhà nước đến văn thư, lưu trữ, tôn giáo và thi đua - khen thưởng. Ngành Nội vụ tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, từng bước trưởng thành và khẳng định vị thế quan trọng của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển Bình Định.
Sở đã tham mưu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển của địa phương qua từng thời kỳ. Sau nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại, bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố từng bước tinh gọn, hình thành một số cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Ở cấp tỉnh, từ 35 đầu mối các cơ quan trực thuộc nay giảm còn 19 sở và tương đương. Ở cấp huyện, từ 21 - 23 đầu mối các cơ quan trực thuộc, nay giảm còn từ 12 - 13 phòng.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, viên chức (VC). Đến nay, đội ngũ CB của tỉnh đã từng bước được chuẩn hóa, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Sở Nội vụ cũng tham mưu xây dựng hệ thống chính quyền địa phương vững mạnh; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, đảm bảo sự điều hành, chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện tốt công tác địa giới hành chính, dân vận chính quyền, dân chủ ở cơ sở; từng bước xây dựng hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp; nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ CB, CC xã, phường, thị trấn.
Công tác cải cách hành chính tuy còn mới mẻ nhưng Sở Nội vụ cũng đã triển khai thực hiện với nhiều chuyển biến tích cực. Sở chủ động tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011 - 2015; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực chất của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của các cơ quan hành chính.
Đáng chú ý, Sở Nội vụ đã thực hiện thành công Dự án thí điểm tuyển chọn 20 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học, tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 3 huyện nghèo của tỉnh và Dự án tuyển chọn 15 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi tỉnh giai đoạn 2013 - 2020. Nhiều trí thức trẻ sau khi về công tác ở cơ sở đã trưởng thành và được cơ cấu vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
3.
Các mặt công tác khác do Sở Nội vụ quản lý cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác thi đua, khen thưởng từng bước đổi mới về nội dung, hình thức, qua đó kịp thời động viên, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ngày càng chặt chẽ, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư, lưu trữ từng bước đi vào nề nếp với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để bảo quản an toàn và phát huy giá trị hàng chục ngàn mét tài liệu lưu trữ.
Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Sở Nội vụ cũng quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh. Tập thể lãnh đạo Sở đoàn kết, thống nhất; CC, VC năng động, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, gương mẫu, tận tâm, tận tụy với công việc.
Với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, thời gian qua, Sở Nội vụ Bình Định đã vinh dự được Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2004), hạng Nhì (năm 2013). Nhiều đơn vị trực thuộc, CB, CC, VC của Sở đã được UBND tỉnh, Bộ Nội vụ tặng bằng khen, cờ thi đua và những phần thưởng cao quý khác.
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng CB, CC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách giai đoạn 2011-2015, hàng năm, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và kịp thời triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC; tuyển dụng CC, VC đúng quy định và phù hợp với tình hình địa phương. Kết quả:
- Đào tạo lý luận chính trị: Cao cấp: 404 người, trung cấp: 1.670 người.
- Đào tạo trình độ trên ĐH: 650 người.
- Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch: 1.371 người.
- Bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ: 4.694 lượt người.
- Bồi dưỡng CB, CC cấp xã: 3.231 lượt người.
- Đào tạo tiếng dân tộc thiểu số: 270 người.
- CB, CC, VC có trình độ tiến sĩ: 72 người (0,27%); thạc sĩ: 1.164 người (4,3%); đại học: 16.314 người (60,7%).
- Tuyển dụng 290 CC, 3.197 VC.
- Tham mưu quyết định bổ nhiệm, điều động và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 114 lượt giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương.
LÂM HẢI GIANG
(Giám đốc Sở Nội vụ)