Nhiều trẻ nhập viện do nắng nóng
Thời tiết nắng nóng những ngày qua khiến nhiều người phải vào viện. Thời gian gần đây, lượng bệnh nhân nhập viện vào BVÐK tỉnh tăng đáng kể, nhiều nhất là trẻ em, với các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: “Tình trạng nắng nóng liên tục đã làm cho lượng bệnh nhi nhập viện tăng nhiều so với cùng kỳ, trung bình mỗi ngày có khoảng 150-180 trẻ mắc bệnh được gia đình đưa tới phòng khám Nhi. Trong khi đó, phòng điều trị nội trú của khoa Nhi tiếp nhận 30-40 trẻ/ngày bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa, chủ yếu rơi vào trẻ dưới 5 tuổi”.
Theo phân tích của bác sĩ Dũng, lý do gia tăng trẻ mắc bệnh vào dịp này là trời nóng bức, trẻ ngồi điều hòa nhiều hơn, tắm nhiều hơn, uống nước lạnh nhiều hơn và đôi khi bật quạt mạnh thốc thẳng vào mặt. Hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu do niêm mạc mất nước; họng, mũi khô vì ngồi nhiều dưới điều hòa, máy lạnh. Bệnh về đường hô hấp ở trẻ dễ trở nặng nếu không được điều trị sớm, chăm sóc đúng cách.
Hiện, tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh, có nhiều trẻ viêm phổi nặng, đặc biệt một số trường hợp còn kèm theo bệnh tim bẩm sinh, bại não và suy dinh dưỡng nặng. Trẻ có các triệu chứng thường gặp như sốt, ho, khò khè, khó thở. Mặt khác, các bác sĩ khoa Nhi vẫn đang điều trị tích cực cho nhiều bệnh nhi bị tiêu chảy với các triệu chứng: nôn mửa, tiêu chảy tóe nước, đi cầu phân nhầy...
Bác sĩ Dũng cho biết thêm: “Một số trẻ được đưa vào viện muộn do người nhà chủ quan tự ý mua thuốc để điều trị cho trẻ không theo hướng dẫn của bác sĩ, hoặc do không phát hiện bệnh kịp thời. Khoa đã sẵn sàng nhân lực để chăm sóc và hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ đúng cách, đồng thời chuẩn bị đầy đủ máy thở, bình thở oxy...”.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ tránh cho trẻ ra ngoài đường vào giờ nắng nóng cao điểm. Mùa hè nóng, da trẻ mỏng, mất nước nhanh, cha mẹ cần bù đủ nước cho trẻ. Đồng thời, tiêm phòng cho trẻ phòng tránh bệnh trong mùa hè. Khi trẻ bò chơi dưới đất nên rửa tay cho trẻ và móng tay phải được cắt ngắn, thường xuyên tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, vệ sinh da. Đối với việc phòng bệnh tiêu chảy cần cho trẻ ăn chín uống sôi, các bà mẹ cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với trẻ bị tiêu chảy, vấn đề quan trọng là cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thêm rau quả, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ.
THU PHƯƠNG