Chủ tịch nước: “Quan hệ đối ngoại của Việt Nam mở rộng chưa từng có”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá việc Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới là điều chưa từng có trong lịch sử và mở ra những cơ hội to lớn trong phát triển đất nước.
"Chưa bao giờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta lại có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng và hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng, thuận lợi như ngày nay", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói trong Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao sáng nay.
Theo ông Sang, từ tình thế bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã "mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu". Năm 1954 Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 11 nước nhưng hiện con số này tăng lên 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam giữ vững chủ quyền lãnh thổ, tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Việt Nam hiện tham gia vào hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang chủ động, tích cực khẳng định vai trò trong các diễn đàn đa phương quan trọng cũng như các liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực và quốc tế.
Ông Trương Tấn Sang cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, đưa quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng có chung biên giới, các nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích. Việt Nam cũng cần kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của đất nước. Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực.
"Ngành ngoại giao cần phải tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình nhạy bén, chủ động, kịp thời hơn nữa để có chiến lược và chính sách sát thực tế, hiệu quả", ông nói.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển lớn nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức gay gắt để giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Do đó, ngành ngoại giao luôn kiên định mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên trì chính sách ngoại giao rộng mở, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đánh giá về bối cảnh hiện nay, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng cục diện thế giới ngày nay vô cùng phức tạp, sau khi khối Xã hội Chủ nghĩa không còn, thế giới đã thay đổi, các nước vừa là đối tác vừa có những tính toán riêng. Các nước lớn muốn vươn lên vì mục tiêu của riêng mình, các nước nhỏ thì tự điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới.
Theo nữ ngoại trưởng đầu tiên của Việt Nam, để ngoại giao có thể trở thành mặt trận hàng đầu hiện nay, Việt Nam cần quan tâm đến hai vấn đề trong tình hình mới. Thứ nhất, sức mạnh công lý có trong luật pháp quốc tế, do quá trình đấu tranh vì một trật tự quốc tế dân chủ công bằng hơn, nhiều định chế luật quốc tế quan trọng đã được thiết lập. Việt Nam cần tăng cường khai thác tận dụng và sử dụng một cách sắc bén, ví dụ như Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) là công cụ quan trọng trong cuộc đấu tranh hiện nay để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đồng thời thực lực mạnh cùng sự đoàn kết thống nhất của toàn dân là những nhân tố hỗ trợ tích cực cho pháp lý.
Điểm thứ hai, theo bà Bình, là đấu tranh dư luận, chưa bao giờ khoa học thông tin phát triển và có sức mạnh và lan tỏa như ngày nay, ai cũng sử dụng như sức mạnh mềm.
"Chúng ta có chính nghĩa, lẽ phải nhưng không phải lúc nào cộng đồng quốc tế cũng hiểu được lập trường và hành động của chúng ta. Vì vậy trong mọi hoàn cảnh chúng ta cần chủ động kịp thời đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận tuyên truyền vận động dư luận, tranh thủ tối đa sự đoàn kết quốc tế", bà nói.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng huân chương Sao Vàng lần thứ hai cho Bộ Ngoại giao.
Theo Việt Anh (VnExpress)