Cần có sự thay đổi
Sau đợt xét tuyển đại học - cao đẳng (ĐH - CĐ) nguyện vọng 1 với nhiều rối rắm, hiện nay việc xét tuyển nguyện vọng tiếp theo cũng đã diễn ra. Tình hình có lẽ đã không còn mức độ căng thẳng, hồi hộp đến … “nghẹt thở ” như 20 ngày gian khổ của đợt đầu.
Tuy nhiên, nếu loại bỏ những phiền toái cho thí sinh và phụ huynh, do những tình huống phát sinh mà các nhà làm chính sách không lường được, để nhìn nhận vấn đề thì chúng ta có thể thấy một số điểm đáng quan tâm.
Trước hết, đó là tình trạng đổ xô học đại học vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của thí sinh và gia đình trong việc hoạch định công việc trong tương lai. Định hướng là vậy nhưng việc chọn lựa ngành nghề như thế nào cho phù hợp với năng lực thì có vẻ rất đông thí sinh chưa xác định được một cách rõ ràng. Thế nên mới có chuyện nộp vào trường y dược không được thì chạy qua bách khoa, kinh tế hay luật…, làm cho công tác xét tuyển trong đợt 1 vừa qua trở thành một mớ bòng bong làm cho dư luận xã hội “nóng” lên một cách không cần thiết
Thứ nữa là tình trạng “phổ cập ĐH - CĐ” ở nước ta càng ngày càng rõ nét. Đây là kết quả của việc “trăm hoa đua nở ” đào tạo ĐH - CĐ khi trường trung cấp cũng đào tạo, trung tâm giáo dục thường xuyên cũng đào tạo mặc dù không đáp ứng nhiều yêu cầu về năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… phục vụ cho công tác đào tạo theo quy mô, trình độ của bậc học này. Trường tăng thì chỉ tiêu đào tạo cũng phải tăng để các trường có nguồn thu để sống. Số liệu thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết “tỉ lệ chọi” trong tuyển sinh đại học ngày càng giảm. Cụ thể, nếu năm 2001 “tỉ lệ chọi” là 10,87 thì đến năm 2008 tỉ lệ này là 4,98 và đến năm 2014 chỉ còn là 3,22. Còn ở bậc CĐ thì tình hình còn tụt dốc nhanh hơn khi năm 2001 “tỉ lệ chọi” là 8,97 thì đến năm 2008 là 2,1 và đến năm 2014 chỉ còn là 0,67 mà thôi (!).
Nhiều chuyên gia về giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho rằng chính cái quan niệm phổ biến trong xã hội “cứ vào đại học cái đã còn mọi chuyện… tính sau” là nguyên nhân của việc hàng trăm ngàn cử nhân đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, là nguyên nhân dẫn đến chuyện “thừa thầy thiếu thợ ” và “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ ” đã và đang xảy ra trên thị trường lao động nước ta.
Từ một số bất cập của đợt thi “2 trong 1” lần đầu tiên được tổ chức và đi kèm với nó là việc xét tuyển ĐH - CĐ mong rằng các nhà quản lý và hoạch định chính sách giáo dục - đào tạo sẽ rút ra những kinh nghiệm cần thiết để làm tốt hơn trong những năm tới. Bên cạnh đó phụ huynh và học sinh cũng cần có sự định hướng lựa chọn ngành nghề tốt hơn để tránh tình trạng học chỉ để cho có cái bằng mà không tính đến các yếu tố khác như năng lực, sở thích, nhu cầu xã hội… để việc thi, học và công việc trong tương lai thuận lợi và hiệu quả hơn. Nói tóm lại là cần có sự thay đổi thực chất và đúng đắn hơn.
H.Đ