Thủ tướng dự khai mạc triển lãm về thành tựu kinh tế-xã hội 2015
Tối 28.8, tại Hà Nội, Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội năm 2015 với chủ đề "Đổi mới, hội nhập và phát triển" đã chính thức khai mạc.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Thông qua đó, giới thiệu, tôn vinh những thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nuớc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là giai đoạn đổi mới, hội nhập.
Đến dự và cắt băng khai mạc triển lãm có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm khu trưng bày thành tựu của Bộ Y tế. Ảnh: Nhật Bắc (VGP)
Cần thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ mùa Thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành chính quyền, lập ra Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước cộng hòa, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
70 năm kể từ những ngày thu lịch sử ấy, bằng sức mạnh của chính nghĩa, của đại đoàn kết, của lòng quả cảm và sáng tạo vô song, với sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước đáp lại lòng tin, ước nguyện của lớp lớp anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do, vì tương lai tươi sáng của dân tộc.
Thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, từ một đất nước nghèo đói, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều chỉ số liên quan tới con người, tới an sinh xã hội của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Từ một nền kinh tế tự cấp tự túc, tập trung quan liêu bao cấp, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 300 tỷ USD gấp khoảng 1,5 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với gần 300 tỷ USD từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào gần 20.000 dự án. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng ASEAN, các cơ chế hợp tác khu vực, thế giới và của Liên Hợp quốc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội năm 2015 nhằm giới thiệu kết quả phấn đấu của nhân dân Việt Nam trong 70 năm qua với sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của bè bạn khắp năm châu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết đất nước.
Triển lãm giới thiệu tiềm năng, triển vọng và hướng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn với các khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phương châm phát triển kinh tế-xã hội vì con người.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, trong hơn 20 năm trở lại đây kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục ở mức bình quân cao thứ 2 trên thế giới. Ngay trong thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm số ít các nước duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao.
Tuy nhiên, khoảng cách phát triển so với khu vực và thế giới vẫn lớn. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn. Văn hóa xã hội, đạo đức lối sống... xuất hiện những biểu hiện không phù hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để nền kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để mọi người Việt Nam được sống một cuộc sống tự do, hạnh phúc trong một quốc gia độc lập, một xã hội nhân hòa, an bình và tràn ngập yêu thương, để các nét đẹp, các giá trị văn hóa Việt tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại... Việt Nam cần thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn; cần khơi dậy, cổ vũ, khuyến khích sức sáng tạo của toàn xã hội, nhận diện và tháo bỏ những rào cản đối với việc phát huy mọi nguồn lực phục vụ phát triển. Tất cả vì lợi ích của Đất nước, của nhân dân.
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm trước các thế hệ cha anh và với thế hệ tương lai thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta quyết đồng sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; góp phần gìn giữ, kiến tạo hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Khẳng định, tôn vinh thành tựu nổi bật của đất nước
Triển lãm kéo dài tới ngày 3.9, có sự tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, các tổ chức đoàn thể ở Trung ương, trong đó có 3 cơ quan báo chí (Báo Nhân Dân; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam); tỉnh, thành và khối doanh nghiệp.
Các gian trưng bày thực hiện trên diện tích 12.000m2 trong nhà và 3.000m2 trưng bày ngoài trời của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam. Gần 70 gian hàng trưng bày của triển lãm được trình bày theo 4 mảng nội dung chính: Khu trưng bày khái quát; khu trưng bày của các Bộ, ngành, đoàn thể; khu trung bày của các tỉnh, thành và khu trưng bày của các doanh nghiệp.
Nội dung và hình thức trưng bày phong phú, đa dạng, ấn tượng. Mỗi khu trưng bày được thể hiện bằng những mảng, khối với tư liệu là hình ảnh, hiện vật, thước phim... phong phú và sống động, góp phần khẳng định, tôn vinh những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật của đất nước trong 70 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nhiều gian trưng bày thể hiện sự kỳ công, cố gắng đưa tới các hiện vật độc đáo, cầu kỳ; mô hình biểu trưng cho các công trình, dự án, thành tựu tiêu biểu.
Khu trưng bày khái quát là hình ảnh tổng quan có tính biểu trưng mang ý nghĩa sâu sắc về sự phát triển của đất nước, dân tộc. Phần này thể hiện sự ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là tư liệu, hình ảnh về bảo vệ biên giới biển đảo của quân và dân ta trong thời gian qua. Khu trưng bày này khẳng định rõ vị thế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa; thành tựu kinh tế-xã hội tiêu biểu; giới thiệu về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của Việt Nam.
Khu trưng bày của khối các Bộ, ngành Trung ương tập trung giới thiệu 4 mảng nội dung chính: Thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những thành tựu phát triển trong thời kỳ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1986 đến nay); giới thiệu các dự án, công trình tiêu biểu.
Gian trưng bày của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu phong phú sẽ giới thiệu những thành tựu xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; khẳng định vai trò của ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là những hình ảnh, tư liệu giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam.
Khu trưng bày của Bộ Quốc phòng, ngoài những trang thiết bị như xe cứu hộ cứu nạn, xe lội nước, nhà dã chiến, các thiết bị lọc nước sạch... còn có chương trình tham gia biểu diễn võ thuật, biểu diễn chó nghiệp vụ trong công tác cứu hộ cứu nạn, tìm ma túy, điều tra tội phạm...
Gian trưng bày của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thể hiện vai trò, đóng góp của người phụ nữ qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, xây dựng, bảo vệ đất nước và phát triển hội nhập. Đặc biệt, phần trưng bày của chị em phụ nữ thể hiện rõ nét các phong trào mang dấu ấn của phụ nữ cả nước như phong trào 5 tốt, phong trào kết nghĩa Bắc-Nam (1955 - 1965), Phong trào phụ nữ 3 đảm đang (1965- 1975), Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và phấn đấu rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang” (2012-2017).
Khu trưng bày của khối các địa phương tập trung giới thiệu những thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thành tựu phát triển trong thời kỳ đổi mới, lợi thế, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng, miền; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương/vùng/miền đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giới thiệu danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương/vùng/miền đến năm 2020.
Khu trưng bày của các địa phương cũng gắn liền với sắc màu văn hóa đặc trưng, đã được nhân dân cả nước biết đến. Với cổng chào Khuê Văn Các, Hà Nội chào đón khách tham quan đến với Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Gian trưng bày của Phú Thọ nổi bật là sa bàn quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng với hình tượng Lạc Long Quân-Âu Cơ. Hai tháp biểu tượng thời đại Hùng Vương từng đoạt giải trong hai cuộc thi “Ý tưởng thiết kế kiến trúc Tháp Hùng Vương” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng được trưng bày.
Gian trưng bày của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là lát cắt sống động của vùng biển đảo, khắc hoạ nét văn hóa mộc mạc và khí chất kiên cường của vùng đất ngày đêm bám trụ giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương...
Lâm Đồng trưng bày "đặc sản" các loài hoa. Phần trưng bày của tỉnh Thừa Thiên Huế là không gian của văn hóa cố đô với những di sản đã được thế giới công nhận như quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình cùng các hiện vật đồ cổ, đồ đồng, tranh thêu...
Khu trưng bày của khối các doanh nghiệp hướng tới nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giới thiệu, tôn vinh thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đồng thời phục vụ nhu cầu mua sắm của khách tới tham quan triển lãm.
Là một trong số các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam tham gia trưng bày tại triển lãm lần này, Thông tấn xã Việt Nam cung cấp cho công chúng cái nhìn tổng thể về quá trình 70 năm trưởng thành cùng đất nước của cơ quan thông tấn nhà nước.
Ngày 15.9.1945, khi Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được phát ra toàn thế giới bằng 3 thứ tiếng: Anh, Pháp, Việt cũng chính là thời điểm đánh dấu sự đời của Thông tấn xã Việt Nam - hãng thông tấn đầu tiên ở Việt Nam.
Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, đến nay Thông tấn xã Việt Nam đã trở thành một tổ hợp truyền thông với 32 đơn vị đầu mối, trong đó có các ban biên tập thông tin nguồn và nhiều cơ quan báo chí, xuất bản thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Thông tấn xã Việt Nam hiện là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm thông tin nhất cả nước với hơn 60 sản phẩm thuộc mọi loại hình báo chí (tin nguồn cung cấp cho hệ thống truyền thông, kênh truyền hình, báo in, báo điện tử...).
Thông tấn xã Việt Nam có một ưu thế mà không một cơ quan báo chí nào có được là hệ thống 63 cơ quan thường trú trong nước, 30 cơ quan thường trú ở khắp 5 châu lục. Với các bản tin nguồn phát ra thế giới bằng 5 thứ tiếng cũng các tờ báo in, báo điện tử...xuất bản bằng 9 thứ tiếng,Thông tấn xã Việt Nam là một trong những Trung tâm đối ngoại quan trọng nhất của cả nước; là người đồng hành tin vậy của các đối tác trong và ngoài nước...
Đến thăm gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt quan tâm đến các trang thiết bị, một số hiện vật, đồ dùng của cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã sử dụng trong thời kỳ kháng chiến.
Trong số hơn 400 nhà báo liệt sỹ trên cả nước, Thông tấn xã Việt Nam có 260 nhà báo đã hy sinh khi tác nghiệp tại các chiến trường ác liệt trong các cuộc kháng chiến của đất nước.
Thủ tướng đánh giá cao hoạt động thông tin tuyên truyền của của Thông tấn xã Việt Nam trong 70 năm qua và tin tưởng trong thời gian tới, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan báo chí chủ lực của Đảng và Nhà nước.
Ngoài phần trưng bày, trong khuôn khổ triển lãm, các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật diễn ra hàng ngày tại sân khấu lớn ngoài trời và tại các gian trưng bày tạo không khí sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan.
Theo Thanh Giang (Vietnam+)