Xem hát bội trên quê hương Đào Tấn
Đến hẹn lại lên! Cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy là người dân làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) lại rủ nhau đi xem hát bội. Được xem hát bội trên quê hương của Hậu tổ tuồng - Danh nhân Đào Tấn là niềm tự hào và xúc động về truyền thống văn hóa của địa phương.
1.
Năm nay, đợt lưu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn tại Vinh Thạnh cũng là những ngày địa phương náo nức kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh 2.9 và 170 năm Ngày sinh của Danh nhân văn hóa Đào Tấn (1845- 2015). Diễn ra trong 3 đêm (27-29.8), Nhà hát tuồng Đào Tấn đã mang đến cho người xem những ấn tượng tốt đẹp qua các vở diễn đặc sắc như: “Hoàng Ngọc - Hoàng Ân”; “Tam Hạ Nam Đường”, “Nỗi oan tình”, với sự tham gia của hơn 50 diễn viên, nhạc công của Nhà hát. Trong đó, có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Minh Ngọc, NSND Xuân Hợi, NSƯT Tuyết Mai, NSƯT Thanh Sử, Thanh Bình...
Một trích đoạn trong vở diễn “Hoàng Ngọc - Hoàng Ân”.
NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Đây là hoạt động ý nghĩa của Nhà hát nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh (2.9.1945- 2.9.2015) và 170 năm Ngày sinh của Danh nhân văn hóa Đào Tấn (1845- 2015). Đồng thời, qua đó góp phần mang nghệ thuật tuồng đến gần với quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên quê hương của Danh nhân Đào Tấn, phát huy văn hóa truyền thống của địa phương”.
Mặc dù là các diễn viên chuyên nghiệp nhưng khi về hát cho khán giả quê hương của Danh nhân Đào Tấn các diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn không khỏi xúc động. NSND Xuân Hợi cho biết thêm: “Anh chị em diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát tuồng đã miệt mài tập luyện, với mong muốn thể hiện tròn vai, mang lại cho khán giả những màn biểu diễn hay nhất, dễ đi vào lòng người nhất. Đó cũng là cách của chúng tôi bày tỏ niềm thương nhớ cụ Đào Tấn - người đã có công đưa nghệ thuật tuồng đến đỉnh cao”.
2.
Có thể nói, với dàn diễn viên xuất sắc, diễn xuất nhuần nhuyễn và các vở diễn khá quen thuộc nhưng các đêm diễn của Nhà hát không kém phần hấp dẫn, sinh động và thu hút khán giả đến xem và cổ vũ. Nhiều người đã cuốn theo tình tiết của các nhân vật trong vở diễn không giấu được xúc động trước mối tình của Cao Quân Bảo (NSND Xuân Hợi thủ vai) và Lưu Kim Đính (NSƯT Tuyết Mai thủ vai) trong vở “Tam Hạ Nam Đường”. Hai nghệ sĩ tài danh đã thể hiện từng điệu bộ, nét mặt, cử chỉ… để lột tả các cung bậc cảm xúc và tâm trạng của nhân vật.
Ông Phạm Ngọc Lợi (70 tuổi, tại thôn Vinh Thạnh 1), chia sẻ: “Đây được xem là lễ hội truyền thống, là nén hương tâm của dân làng dâng lên, tưởng nhớ đến cụ Đào Tấn và các vị tiền hiền đã có công khai phá, mở mang, tạo lập nên làng Vinh Thạnh chúng tôi”. Còn bà Sáu Kim (ngoài 70 tuổi, nhà ở xã Phước An, huyện Tuy Phước), bộc bạch: “Ba đêm liền, tui đều nhờ con cháu gái chở đến đây xem hát bội. Hết giờ, nó lại đến đón về. Các diễn viên diễn rất khéo, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem”.
Hát bội từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của những người dân trên mảnh đất tuồng quê tôi. Dẫu biết trong thời buổi kinh tế thị trường, cùng với sự xuất hiện xô bồ của nhiều loại hình nghệ thuật cách tân, một bộ phận nhỏ đã dần lãng quên tuồng. Nhưng hy vọng với sự nỗ lực của Nhà hát tuồng Đào Tấn nói riêng và của ngành văn hóa nói chung, tuồng sẽ dần tìm lại chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả.
Các đêm hát bội trên quê hương Danh nhân Đào Tấn đã khép lại nhưng dư âm còn mãi trong lòng người xem như muốn nói lên mạch nguồn văn hóa truyền thống chưa bao giờ ngừng chảy trên mảnh đất này.
KIM CƯƠNG