Giám sát triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013:
Văn bản hướng dẫn chưa rõ, địa phương lúng túng
Mới đây (từ ngày 12.8 đến 20.8), Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có đợt giám sát ghi nhận tình hình triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013 tại các huyện Phù Cát, Vĩnh Thạnh và Hoài Ân. Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật còn nhiều lúng túng.
Chính sách đền bù: Mới triển khai đã vướng
Như việc thực hiện Quyết định 13/2015/QĐ-UBND tỉnh ngày 7.7.2015 về Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (QĐ 13), thay cho Quyết định 50/2012/QĐ- UBND tỉnh được áp dụng trước đây, đã bộc lộ một số bất cập ngay từ khi mới triển khai.
Cụ thể, theo QĐ 13 thì giá đất bồi thường, hỗ trợ là giá đất của UBND tỉnh ban hành đối với từng dự án, nhưng thực tế có nhiều công trình như đường giao thông nông thôn, lớp học mẫu giáo…thu hồi, xây dựng với diện tích nhỏ, nếu xin ý kiến để UBND tỉnh ban hành giá đất cụ thể thì sẽ mất thêm nhiều thời gian.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Theo ông Võ Văn Dậu, Trưởng phòng TN-MT, huyện Phù Cát, lý giải thì: “Trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm, huyện đều lên kế hoạch và trình cho các đơn vị liên quan từ Trung tâm Phát triển quỹ đất đến HĐND tỉnh, UBND tỉnh thông qua với đầy đủ các thủ tục, quy trình. Đối với những dự án nhỏ, diện tích đất bị thu hồi không lớn, nếu cũng phải tiến hành các bước tương tự như kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã làm trước đó, sẽ gây mất thời gian cũng như ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cũng như đền bù các công trình nhỏ lẻ trên địa bàn huyện”.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ông Bùi Đức Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Thạnh, nêu thực trạng việc áp giá bồi thường đối với từng loại cây trồng tại địa phương chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đơn cử, loại cây trồng lâu năm như cây bạc hà, quy định mức bồi thường là 8.000 đồng/cây, quá thấp so với công vun trồng và chi phí cắt cây. Ngược lại, với một số loại cây trồng như sả, thơm nếu tính đền bù theo đơn vị cây cũng chưa phù hợp vì khó chia tính, dễ tạo điều kiện phát sinh gian lận”.
Quyết định 13 quy định 3 mức giá đền bù đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là: bị thu hồi từ 30-70% diện tích, bị thu hồi trên 70% và từ 10% trở xuống. Theo ông Phong, với hộ có diện tích đất nông nghiệp lớn, dù bị thu hồi dưới 10% nhưng cộng lại tổng diện tích mất đi cũng không nhỏ, nếu bồi thường ngang với hộ có diện tích bị thu hồi nhỏ thì sẽ thiệt thòi. Do vậy, ông đề nghị, đối với diện tích đất bị thu hồi dưới 10% thì mức đền bù nên căn cứ cụ thể vào từng mức diện tích bị thu hồi.
Cũng theo phản ánh, Quyết định 13 chưa quy định rõ việc đền bù đối với loại đất khai hoang đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và đang khai hoang thì có được hỗ trợ không. Hay đối với trường hợp trước giờ không được cấp GCNQSDĐ thì có được hưởng hỗ trợ không; trường hợp cha mẹ chết để lại cho con nhưng không lập di chúc thì con có được nhận tiền hỗ trợ hay không? Đây là những trở ngại khiến cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở địa phương làm chậm tiến độ triển khai một số dự án trên địa bàn huyện.
Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể
Tình hình đất đai biến động do hầu hết bản đồ địa chính hiện đã cũ cũng gây khó cho các địa phương trong việc quản lý đất. Ông Huỳnh Phi Long, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nói: “Sổ địa chính trên địa bàn huyện được lập từ năm 1996 đến năm 1998 và đã cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện Nghị định 64/CP về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện có một số hộ gia đình, cá nhân đã được cân đối giao quyền sử dụng ruộng đất theo Nghị định 64/CP và có tên trong hồ sơ địa chính nhưng chưa được Nhà nước cấp GCNQSDĐ (lần đầu), vì theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định sổ địa chính phải lập trước ngày 15.10.1993 thì mới được cấp GCNQSDĐ. Bên cạnh đó, do bản đồ đã chỉnh lý nhiều lần, sai lệch nhiều nên có trường hợp không còn chỉnh lý được; hiện trạng sử dụng đất biến động rất lớn so với bản đồ đang lưu trữ. Điều này đã gây khó cho quá trình quản lý, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai, nhất là đất lâm nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn”.
Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn đã quy định về thẩm quyền cấp GCNQSDĐ, các trường hợp cấp lại, cấp đổi, cấp mới. Theo phản ánh của địa phương, trường hợp thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ nhưng khi đo đạc lại diện tích chênh tăng rất lớn, tuy nhiên phần tăng không đủ điều kiện để tạo thành một thửa riêng biệt, thì thẩm quyền cấp GCNQSDĐ thuộc cơ quan nào và có được xác định là trường hợp cấp mới không, hay cấp đổi hay cấp lần đầu?
Một số dự án tại địa bàn chậm triển khai hiện đang gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là ảnh hưởng đến đời sống của những hộ dân nằm trong vùng dự án. Với những dự án này, các địa phương cũng đề nghị ngành chức năng cần có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như công tác quản lý đất tại địa phương.
KIỀU ANH