Chậm lại một chút giữa đời nhanh
Trong nhịp “sống là không chờ đợi”- theo một slogan nào đó trong chương trình quảng cáo, thảng cần lắm những chút chầm chậm. Chậm lại để sống tốt hơn, chậm lại để tận hưởng cuộc sống theo cách mình đã chọn, và trân quý những gì đang hiện hữu, những gì thực sự là giá trị.
Tôi có “chậm và thua”?
Đó là băn khoăn của chính mình được anh Lưu Quốc Trí (28 tuổi, ở thôn Gia Chiểu, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) viết trên facebook: “Trong khi bạn bè có nhiều thứ, từ gia đình, kinh tế đến vui chơi, thì tôi vẫn chưa có gì. Sao mà giàu được khi cứ mãi dành thời gian cho việc từ thiện và công tác xã hội?”.
Cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên cũng là cách sống chậm giữa đời nhanh.
Nhưng, anh không buồn vì điều này, bởi như lời anh tâm sự với tôi về cách sống mà mình đã chọn, thì: “So với bạn bè cùng trang lứa, tôi thấy mình có vẻ thua kém xa các bạn về nhiều thứ, nhưng đổi lại cái tôi có được đó chính là niềm vui và sự thoải mái trong tâm hồn mỗi khi mình làm việc gì đó có ý nghĩa. Tôi chấp nhận mình “chậm” và “thua” để có thể mang đến những niềm vui cho nhiều người khác”.
Trí hiện làm quản trị cho một số trang báo mạng, thiết kế website, bán ảnh nghệ thuật, bán một số đặc sản quê hương qua mạng, chụp ảnh cưới... và lập ra một hội quán thanh niên để kinh doanh cafe lấy tiền lời tham gia các hoạt động từ thiện. Công việc tự do, hoàn toàn tự chủ về mặt thời gian, để anh có thể hoàn toàn chủ động theo đuổi công tác xã hội từ thiện mà mình thích. Trí hiện là Bí thư Chi đoàn thôn Gia Chiểu, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, Đội trưởng Đội Công tác xã hội huyện Hoài Ân, rất năng nổ trong công tác từ thiện xã hội ở địa phương.
Bạn trẻ này cũng bảo thích dành thời gian để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của non nước mây trời và cuộc sống của người dân mình tình cờ bắt gặp trên đường. Bởi vậy, dẫu có lúc rất vội vàng, anh vẫn có thể tranh thủ “chớp” vài tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc và chia sẻ với cộng đồng trên mạng. Đó cũng là cách anh giải khuây mỗi khi gặp áp lực, hoặc bị stress trong công việc. “Có người đã khóc, có người gọi điện tới cảm ơn tôi sau khi xem được tấm ảnh đã khơi lại ký ức tuổi thơ trong họ”- anh mãn nguyện chia sẻ, rồi tủm tỉm: “Nhiều người bảo tôi bị “tưng tửng”, “rảnh” khi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng tôi không bận tâm lắm, miễn là mình thấy vui, hạnh phúc khi được sẻ chia và yêu thương nhiều hơn”.
Chầm chậm một chút giữa đời nhanh
Còn tôi, lại cho rằng, cách sống “chậm và thua” mà anh bạn trẻ trên tự nhận có gì đó đáng để suy ngẫm. Thay vì chọn cuộc sống mà số đông trong xã hội đang chạy theo thì anh lại lùi về, chọn cho mình cách sống cống hiến và sẻ chia nhiều hơn.
Tôi vẫn nhớ lời tuyên bố của mẹ lúc trở về sau khi uống cà phê với đại gia đình: “Mẹ sẽ không bao giờ đi với các con nữa, khi mà đến quán các con để mẹ ngồi một mình. Đứa nào cũng dán mắt vào màn hình đến mức không nghe mẹ hỏi gì cả. Vậy, con mời mẹ đi uống cà phê với các con để làm gì?”.
Nhớ lại hôm đó cả bốn đứa con và vài đứa cháu đi với mẹ mà đứa nào đứa nấy đều chúi mũi vào chiếc smartphone của mình. Đứa lên facebook, đứa xem báo. Các cháu thì chúi mũi vào các trò chơi trên Ipad. Mẹ lạc lõng là thế. Sau khi nghe mẹ nói vậy, tôi xấu hổ lắm và thương mẹ lắm. Kể từ hôm đó trở đi, mỗi khi mời mẹ đi chơi đâu, bọn tôi đều dặn nhau hạn chế dùng điện thoại, nói chuyện với mẹ nhiều hơn để mẹ vui.
(Chị Nguyễn Thị Hoàn Phong, đường Tây Sơn, Quy Nhơn)
Trong nhịp sống tất bật giữa thời đại của những thiết bị công nghệ số, của những điện thoại thông minh, Ipad, của nhịp sống tất bật phải đuổi theo mới bắt kịp, đôi khi nhìn lại, chợt nhận ra rằng hình như mình đã bỏ lỡ mất nhiều thứ, quên đi mất những giá trị đích thực mà mình cần. Vậy nên, cũng cần có những lúc phải cần chầm chậm lại để nghỉ ngơi, chầm chậm lại ngẫm nghĩ, xác định đâu là đích đến của mình trước khi chạy hay bước tiếp.
Anh Trần Bá, 49 tuổi, nhà ở khu vực 6, phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, tâm sự: “Khoảng thời gian “sống chậm” trong ngày của tôi là được trò chuyện cùng với các con gái về một cuốn sách, một bài báo nào đó trong bữa cơm gia đình hay lúc sáng sớm, nhẩn nha kể mẩu chuyện về ông bà cho con nghe”. Còn với chị Bích Nguyên, 38 tuổi, nhà ở phường Ngô Mây, thời gian chị làm vườn là lúc chị “sống chậm” vì đã bỏ lại tất cả các suy nghĩ khác đằng sau để toàn tâm toàn ý chăm chút cho từng giò lan hay trồng rau.
Thực ra, có khó gì đâu khi tạo ra cho mình những phút giây chầm chậm giữa đời nhanh. Cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, một đóa hoa mới nở hay nhành cây trổ lá bên đường. Hay hòa mình vào những hoạt động sẻ chia yêu thương của cộng đồng, yêu thương nhiều hơn. Tập yoga hay thiền định hay loại bớt dần sự lệ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật số trong những giờ phút không thực sự cần thiết cũng là một cách sống chậm.
HOÀNG NGUYÊN
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn sống chậm lại:
1. Làm ít đi: Cắt giảm các dự án của bạn, danh sách công việc bạn làm trong ngày, không tập trung vào số lượng mà là chất lượng. Chọn ra 2 - 3 việc quan trọng, hoặc thậm chí chỉ một việc quan trọng và tập trung làm việc đó.
2. Tập ngắt kết nối: Bạn sẽ có thêm thời gian khi chịu khó tắt các thiết bị di động, các thông báo email và đủ thứ linh tinh khác. Trong khoảng thời gian không có những cuộc gọi, bạn sẽ sáng tạo, hoặc dành thời gian bên ai đó, hoặc đọc một cuốn sách, hoặc chỉ đi dạo, hoặc chỉ tập trung ăn uống.
3. Chú tâm vào hiện tại: Nên học để sống trong hiện tại hơn là nghĩ quá nhiều về tương lai hoặc quá khứ. Khi bạn ăn, hãy thưởng thức toàn bộ thức ăn của bạn. Khi bạn ở bên ai đó, hoàn toàn chú tâm vào họ. Khi bạn đi dạo, tận hưởng cảnh vật xung quanh, bất kể dù bạn đang ở đâu.
4. Tập làm quen với việc không-làm-gì-cả: khi phải chờ đợi, bạn thường trở nên mất kiên nhẫn hoặc không thoải mái và muốn nhìn vào thiết bị di động của mình hoặc xem báo vì không muốn lãng phí thời gian. Thay vì vậy, hãy thử ngồi yên nhìn ra xung quanh, đắm mình trong môi trường xung quanh. Thử đứng trong hàng, thử quan sát và lắng nghe mọi người. Ban đầu có thể khó nhưng sau bạn sẽ thực hiện dễ dàng với nụ cười...
T.H (theo sách “Đời đơn giản khi ta đơn giản”)