Chủ động “nhập cuộc”
Trong những năm qua, theo đà đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đã có nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được nước ta ký với các nước, các khu vực kinh tế trên thế giới. Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN và không thua bất cứ nước nào trên thế giới về tốc độ đàm phán, ký kết các FTA. Bên cạnh đó, việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng đã có những bước tiến rất quan trọng để hiện thực hóa trong tương lai rất gần.
Điều có thể thấy rõ là hội nhập đã góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất và thu nhập của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, mức độ hội nhập càng tăng cũng đồng nghĩa với việc mức độ phụ thuộc qua lại giữa thị trường trong nước với thị trường ngoài nước ngày càng tăng. Theo đó, cùng với những thuận lợi là những khó khăn, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nếu cộng đồng DN và từng DN trong nước không nắm bắt tình hình để chủ động trang bị hiểu biết cần thiết, chuẩn bị kịch bản ứng phó cho các tình huống có thể xảy ra… thì nguy cơ “thua trên sân nhà” là điều có thể xảy ra trên nhiều lĩnh vực.
Không nói đâu xa, thời gian gần đây, một số lĩnh vực của kinh tế trong nước, thị trường bán lẻ, ngành chăn nuôi, sản xuất hàng tiêu dùng… đã thiệt hại đáng kể do tác động từ bên ngoài đã cho thấy điều đó. Các chuyên gia cũng cảnh báo, không chỉ với các lĩnh vực không có ưu thế mà ngay cả nông sản là ngành có thế mạnh của nước ta cũng bị ảnh hưởng nếu không có đủ thực lực trong cuộc đua tranh lớn hơn, khốc liệt hơn trong tiến trình hội nhập sắp tới.
Có thể nói việc đưa nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới cũng tương tự như việc một con thuyền từ mặt hồ êm ả vươn ra bơi trên biển lớn với sóng to, gió lớn. Đây là cuộc đua không dành cho kẻ yếu nên để vượt qua thử thách khắc nghiệt hơn trước rất nhiều thì nền kinh tế Việt Nam và từng DN Việt Nam cần phải có những thay đổi để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Bên cạnh việc cải thiện năng lực tài chính, tiềm lực khoa học công nghệ, năng suất lao động để tăng năng lực và hiệu quả cạnh tranh thì chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ các chuyên gia giỏi ngoại ngữ, thông thạo về công pháp quốc tế, luật kinh tế quốc tế là rất quan trọng. Những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật về xuất nhập khẩu hàng hóa... là vấn đề mà DN trong nước còn hạn chế cần được sự hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Nói tóm lại, ngay từ bây giờ từng DN, cả cộng đồng DN, các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý phải hết sức nỗ lực để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động “nhập cuộc” tận dụng những lợi ích mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Chỉ có như vậy thì việc vươn ra biển lớn mới mang lại lợi ích cao nhất cho từng DN và cả quốc gia.
HẢI ĐĂNG