Tình trạng xe đón, trả khách không đúng nơi quy định: Gian nan bài toán xử lý
Thời gian qua, ngành chức năng đã mở nhiều đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý tình trạng ô tô khách đón, trả khách không đúng nơi quy định; tuy nhiên, kết quả mang lại chưa như mong đợi; vấn nạn này vẫn diễn ra phổ biến.
Hiện nay, tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng bến xe khách khá bài bản. Song, rất ít hành khách vào bến mua vé, số đông thường đứng rải rác tại nhiều điểm dọc tuyến quốc lộ để đón xe. Để chiều lòng “thượng đế”, một số nhà xe tìm đến các “bến cóc” hoạt động; không những gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT), mà còn khiến các bến xe được xây dựng bài bản không phát huy tác dụng, gây lãng phí.
Tình trạng xe đậu, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh.
- Trong ảnh: Xe ô tô khách BKS 77B - 00431 (nhà xe Hoa Công) đang đậu đón khách trên QL 1 đoạn qua thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) - cách cầu Ông Đô chừng 500m về phía Nam vào chiều 29.8.
Chỗ nào cũng đón, điểm nào cũng trả
Chiều 29.8, có mặt tại ngã 3 cầu Ông Đô (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước), trong khoảng hơn 30 phút, chúng tôi ghi nhận có 4 xe khách dừng đỗ sai quy định ở dọc đường này. Đây là khu vực giao nhau giữa QL 1 với đường Đào Tấn nên mật độ phương tiện lưu thông luôn đông đúc; vì vậy, việc ô tô khách đậu đỗ để bắt khách gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài “bến cóc” này, ở đầu cầu Diêu Trì (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) - đoạn giao nhau giữa QL 19C và QL 1 - một “bến cóc” khác cũng đang tồn tại.
Ở tỉnh ta hiện đang tồn tại rất nhiều bến xe cóc. Đơn cử như tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) có bến xe tự phát nằm ở khu vực ngã tư giao nhau giữa QL 1 (mới) với tỉnh lộ 629 đi An Lão. Tại huyện Phù Cát, bến xe tự phát trên đường 3 Tháng 2, thuộc thị trấn Ngô Mây, đoạn gần khu vực ngã tư giao nhau giữa đường 3 tháng 2 với tuyến tỉnh lộ 635, xuất hiện đã nhiều năm nay. Còn trên địa bàn thị xã An Nhơn, lâu nay cũng tồn tại nhiều bến xe tự phát nằm dọc tuyến QL 1 thuộc địa bàn phường Đập Đá, phường Bình Định. Trong khi đó, Bến xe An Nhơn được xây dựng khang trang nhưng từ khi hoạt động chỉ phục vụ chủ yếu cho các loại ô tô tải. Riêng tại TP Quy Nhơn - trên đường Tây Sơn (đoạn từ METRO đến Giáo xứ Xuân Quang) - lâu nay xuất hiện nhiều “bến xe” ven đường. Đặc điểm chung của các bến cóc này là lực lượng cò xe, đội ngũ xe ôm, bốc vác… luôn túc trực, tranh giành khách gây lộn xộn và bất an cho người dân khu vực lân cận.
Không chỉ các loại xe khách trong tỉnh dừng bắt khách không đúng nơi quy định, mà nhiều xe khách thuộc các tỉnh khác khi lưu thông qua địa bàn Bình Định cũng dừng xe để bắt khách một cách bừa bãi, khiến cho tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh càng thêm phức tạp. Ngoài ra, các xe khách chạy tuyến trong tỉnh cũng tranh bắt khách trên đường, dừng đậu không đúng chỗ, đón khách trong đường nội bộ khu dân cư cũng rất phổ biến.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra một vụ xe dừng đỗ sai quy định, trên địa bàn thị xã An Nhơn.
Cần giải pháp đồng bộ
Liên quan đến thực trạng này, ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT, thừa nhận tình trạng “xe dù”, “bến cóc” là bệnh thâm căn cố đế rất khó giải quyết triệt để. Ông Quả cho biết, Thanh tra Sở đã yêu cầu các đơn vị vận tải hoạt động trên địa bàn phải đăng ký hệ thống giám sát hành trình GPS để Sở GTVT phối hợp với Tổng cục Đường bộ kiểm tra. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở cũng đã có kế hoạch phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố mở các chiến dịch dẹp “xe dù”, “bến cóc”, đặc biệt là quanh khu vực Bến xe Trung tâm Quy Nhơn và dọc tuyến QL 1. Nhưng hiệu quả như đã nói ở trên cũng chẳng đi đến đâu.
Theo thiếu tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng CSGT đã xử lý 1.328 trường hợp ô tô đón trả khách sai quy định với số tiền xử phạt hơn 900 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác này hiện gặp không ít khó khăn; bởi khi phát hiện lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, lập tức các lái xe thông báo cho nhau biết ngay. Để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, CSGT phải hóa trang ghi hình các lỗi vi phạm bằng camera chuyên dụng làm bằng chứng xử phạt “nguội” ở các điểm phức tạp. Đồng thời, đơn vị thường xuyên phân công lực lượng tổ chức tuần lưu trên đường; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực thuộc ngã 3, ngã 4 (nơi tập trung đông phương tiện qua lại) để tăng cường xử lý tình trạng xe dừng đón, trả khách không đúng quy định.
Tuy công tác kiểm tra của ngành chức năng phần nào đã hạn chế được tình trạng xe đón, trả khách không đúng nơi quy định; song để công tác vận tải hành khách đảm bảo TTATGT, Thanh tra Sở sẽ đề nghị Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuần tra, kiểm soát với tần suất dày hơn. Ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GT-VT, cho biết: “Tổ công tác sẽ hết sức lưu tâm đến các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật; kiên quyết xử lý các nhà xe, lái xe không chấp hành Luật ATGT đường bộ. Cùng đó, các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đến các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và đội ngũ lái xe, nhất là việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện vận tải”.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI