“Tiếp sức” người khuyết tật
Sau 4 tháng triển khai, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 258 triệu đồng, từ Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (tiếng Anh: United States Agency for International Development, viết tắt: USAID) dự án “Cải thiện đời sống kinh tế, hỗ trợ học nghề và việc làm cho người khuyết tật” đã “tiếp sức” cho nhiều người khuyết tật tại Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga, giúp họ bước đầu ổn định cuộc sống.
Các thành viên nhóm nhạc cụ dân tộc đã có thể tự tin biểu diễn trước công chúng.
Nâng cao kỹ năng nhạc cụ dân tộc
Nhóm nhạc cụ dân tộc do Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga xây dựng và phát triển từ năm 2012, dưới sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trong và ngoài nước. Thành viên của nhóm là người khuyết tật nhưng có chung niềm say mê với âm nhạc truyền thống. Hơn 2 năm học tập và rèn luyện dưới sự chỉ dẫn tận tình của các thầy cô giáo, các thành viên của nhóm đã có được những kiến thức căn bản. Song, để có thể tự tin biểu diễn trước đông đảo công chúng, nhóm cần sự hỗ trợ để nâng cao kỹ năng. Nắm bắt tình hình này tiểu dự án “Cải thiện đời sống kinh tế, hỗ trợ học nghề và việc làm cho người khuyết tật” (thuộc Chương trình toàn diện và tích cực trợ giúp người khuyết tật tại Bình Định) đã hỗ trợ trên 143 triệu đồng cho hoạt động của nhóm nhạc trong thời gian 4 tháng (tháng 5 đến tháng 8.2015).
Tại buổi tổng kết dự án vừa qua (29.8), các tiết mục đặc sắc (hòa tấu, độc tấu đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt, tứ tấu đàn tranh…), của nhóm nhạc nhận được sự tán thưởng của nhiều đại biểu, người xem. Ông Phan Thanh Hùng, giảng viên Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Bình Định, tâm đắc: “Tôi thật sự xúc động trước những tiết mục của các em trong ngày hôm nay. Nhắm mắt lại để lắng nghe, sẽ khó mà phân biệt được đây là tiếng đàn của người khiếm khuyết. Những tiết mục mà các em đã trình diễn hôm nay là kết quả của những ngày tháng nỗ lực, kiên nhẫn của cả thầy lẫn trò”.
Ghi nhận sự cố gắng này, nhiều đại biểu đã “đặt hàng” nhóm nhạc đến biểu diễn tại đơn vị, khu dân cư của mình trong dịp lễ, tết. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, đại diện cho Ban phụ nữ ở khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai, mời nhóm nhạc về biểu diễn tại đêm tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi tại khu chung cư. Bà cho biết, bản thân sẽ tình nguyện tuyên truyền về nhóm đến với đông đảo mọi người, tạo cơ hội cho người khuyết tật trong nhóm.
Ông Cao Ngọc Thái (75 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) - phụ huynh của một thành viên nhóm nhạc - tâm sự: “Chứng kiến sự trưởng thành của con trong công việc, tôi thấy vui mừng. Hôm nay, các con dù chưa bằng người bình thường nhưng đã bằng hoặc hơn những người cùng cảnh. Cảm ơn các nhà tài trợ, đơn vị đã giúp đỡ những đứa con khiếm khuyết về cơ thể của chúng tôi”.
Anh Quý sửa chữa xe máy cho khách.
Tạo cơ hội học nghề và khởi nghiệp
Bên cạnh đó, dự án “Cải thiện đời sống kinh tế, hỗ trợ học nghề và việc làm cho người khuyết tật” cũng đã tạo cơ hội việc làm cho 4 người khuyết tật khác. Dựa trên nguyện vọng, thế mạnh của mỗi cá nhân, dự án đã đưa tổ chức học nghề tại cồng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp với số vốn 15 triệu đồng/người.
Anh Lê Anh Đạt (24 tuổi, ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát) bị mất một chân trái do tai nạn. Đạt từng học tin học văn phòng và có nguyện vọng được học sửa chữa máy vi tính để mở cơ sở riêng tại quê nhà. Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga đã giới thiệu Đạt đi học nghề tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn. Sau một thời gian, Đạt thành thạo các kỹ năng sửa chữa, lắp ráp, bảo dưỡng, cài đặt… máy vi tính. “Hiện nay, tôi đang được nơi đào tạo nhận lại làm việc. Tôi sẽ coi đây là một cơ hội để nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm trước khi về quê để khởi nghiệp, giúp cha mẹ lo cho em gái bị thiểu năng trí tuệ”, Đạt chia sẻ.
Từng trải qua những ngày tháng lận đận, thăng trầm với đủ thứ công việc, ông Huỳnh Trọng Quý (51 tuổi) quyết định bám trụ với nghề lắp ráp xe ba bánh, sửa đồ điện gia dụng. Mong muốn học sửa xe máy để có thể hỗ trợ người khuyết tật, mở rộng hoạt động, ông đã được dự án hỗ trợ học nghề tại một cơ sở sửa chữa xe máy. Sau 3 tháng học nghề, người đàn ông bị khuyết tật vận động này đã thành thạo kỹ năng về sửa chữa xe máy thông thường, lẫn xe cho người khuyết tật. Dự án tiếp tục hỗ trợ khởi nghiệp cho anh bằng các thiết bị liên quan đến công việc. Đến nay, một tiệm sửa chữa xe máy, xe điện, xe lăn, xe lắc, đồ điện gia dụng đã ra đời tại số nhà 352 Tây Sơn, TP Quy Nhơn. Ông Quý trao đổi: “Nhờ vào sự hỗ trợ của dự án, ở tuổi 50, tôi đã có một cơ ngơi riêng, nho nhỏ để ổn định cuộc sống gia đình. Khó khăn phía trước còn nhiều, nhưng tôi đã tự tin hơn khi được vốn quý cho cuộc mưu sinh như kỹ năng, đồ nghề…”.
NGUYỄN MUỘI