Thành công mới trong điều trị lõm ngực bẩm sinh
Ngày mai (2.9), bệnh nhân Trần Quốc Ngọc (15 tuổi, ở xã An Hòa, huyện An Lão) sẽ được xuất viện sau 10 ngày được phẫu thuật điều trị bệnh lý lõm ngực bẩm sinh. Đây là ca phẫu thuật đầu tiên do các bác sĩ BVĐK tỉnh làm chủ hoàn toàn, đánh dấu thành công của việc ứng dụng phẫu thuật Nuss trong điều trị bệnh lý phức tạp này.
Bất thường bẩm sinh của thành ngực ở trẻ em có 2 nhóm chính là lõm ngực và lồi ngực. Đáng chú ý, lõm ngực chiếm đến 90% trường hợp bất thường bẩm sinh của thành ngực. Lõm ngực hay gặp phải ở trẻ em với tỉ lệ khá cao - khoảng 1/400 trẻ sinh ra sống.
Bệnh nhân Trần Quốc Ngọc được chăm sóc giai đoạn hậu phẫu tại khoa Ngoại Tổng hợp.
Khởi đầu hy vọng
Gia đình phát hiện Ngọc bị lõm ngực bẩm sinh khi em chưa đầy 3 tháng tuổi. Cứ thế, em lớn lên và chịu đựng biết bao nỗi phiền toái từ cái ngực bất thường. Kể về cuộc sống của con trai, anh Trần Quốc Toản không giấu được sự muộn phiền. “Không được chạy nhảy chơi đùa cùng bạn bè trang lứa, đi học thì bỏ môn thể dục, ở nhà chẳng đỡ đần được gì chuyện ruộng đồng. Nhưng, xót nhất là thấy con cứ mặc cảm, xa lánh mọi người vì cái ngực dị thường”, anh thở dài.
Nghe bác sĩ khuyên mổ sớm thì tốt cho con, nhưng cảnh nhà thiếu trước hụt sau, nên vợ chồng anh cứ hẹn lần khất lữa. Hai tháng gần đây, thành ngực của Ngọc có chiều hướng lõm nhanh hơn, chứa được lượng nước đựng đầy trong 2 nắp bình thủy. Cùng với đó là những cơn đau thắt ngực bất thường, làm em không thở được.
“Chúng tôi rất trăn trở, bởi các em bị lõm ngực vẫn chưa được BHYT chi trả tiền thanh nâng, vì cho rằng đây chỉ là phẫu thuật giải quyết về mặt thẩm mỹ. Hy vọng rằng, ngành Y tế và BHXH sẽ tìm được tiếng nói chung, thay đổi chính sách kịp thời để có thêm nhiều trẻ em nghèo bị lõm ngực có điều kiện phẫu thuật”
Bác sĩ PHẠM VĂN PHÚ, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK tỉnh
Ngày 19.8, Ngọc được đưa vào BVĐK tỉnh và được phẫu thuật 6 ngày sau đó. Ca phẫu thuật do các bác sĩ Phạm Văn Phú, Phan Xuân Cảnh, Võ Xuân Thành thực hiện, cùng bác sĩ gây mê Nguyễn Thanh Bảo. Các bác sĩ đã ứng dụng phẫu thuật Nuss - dùng 2 thanh nâng chuyên dụng bằng titan được uốn cong cho phù hợp với hình dạng ngực lõm và nâng đỡ thành ngực từ bên trong. Hệ thống nội soi phụ trợ cũng được sử dụng để đảm bảo đường mổ không làm tổn thương các mạch máu lớn.
Từ năm 2013 đến nay, với sự hỗ trợ của bác sĩ Trần Thanh Vỹ (Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh), các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh) đã thực hiện thành công 12 ca phẫu thuật Nuss cho bệnh nhi bị lõm ngực nặng. Riêng với bệnh nhân Trần Quốc Ngọc, các bác sĩ đã tự thực hiện ca mổ mà không cần sự hỗ trợ của tuyến trên. “Đây là ca mổ rất khó, bởi bệnh nhân đã lớn tuổi, xương cứng phải dùng đến 2 thanh nâng, hậu phẫu đau đớn. Tuy nhiên, thực hiện tốt ca mổ chứng tỏ chúng tôi đã làm chủ được kỹ thuật cao này”, bác sĩ Phan Xuân Cảnh chia sẻ.
Thành ngực của bệnh nhân sau phẫu thuật.
Để niềm vui trọn vẹn
Đến hôm qua (31.8), Ngọc đã có nhiều chuyển biến tốt. Dù chưa thể tự chuyển tư thế từ nằm sang ngồi, nhưng những cơn tức ngực đã giảm hẳn. “Mỗi bữa nó ăn được kha khá cháo rồi đấy”, anh Toản khấp khởi cho hay. Trong vòng 6 tháng sau ca mổ, Ngọc được bác sĩ căn dặn không vận động mạnh, không chơi thể thao. Sau đó, có thể tập luyện để nâng thể lực, 2 năm sau thì được tháo thanh nâng.
Lõm ngực gây chèn ép lên tim và phổi; làm giảm khả năng đổ đầy của tim, gây sa van 2 lá, rối loạn nhịp tim; gây xẹp phổi, nhiễm trùng hô hấp kéo dài và hen suyễn. Đặc biệt, bệnh để lại ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ do vấn đề thẩm mỹ.
Điều trị cùng thời điểm với Ngọc là bé Trương Gia Linh (5 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn). Linh nhập viện để phẫu thuật lấy ra thanh nâng được đặt vào lồng ngực cách đây tròn 2 năm. Cô bé mũm mĩm vén áo, bờ ngực đầy đặn, không còn vết tích của dấu lõm sâu.
Tuy nhiên, niềm vui của những gia đình có con được phẫu thuật điều trị lõm ngực vẫn chưa được trọn vẹn. Như trường hợp của Ngọc, để có 30 triệu đồng mua thanh nâng ngực từ TP Hồ Chí Minh, anh Toản phải đi vay nóng. Trong khi đó, anh vừa bị tái phát vết thương cũ ở hai mắt, cứ ra nắng là chóng mặt, không làm lụng gì được.
Bác sĩ Phạm Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, tâm tư: “Chúng tôi rất trăn trở, bởi các em bị lõm ngực vẫn chưa được BHYT chi trả tiền thanh nâng, vì cho rằng đây chỉ là phẫu thuật giải quyết về mặt thẩm mỹ. Hy vọng rằng, ngành Y tế và BHXH sẽ tìm được tiếng nói chung, thay đổi chính sách kịp thời để có thêm nhiều trẻ em nghèo bị lõm ngực có điều kiện phẫu thuật”.
NGUYỄN VĂN TRANG