Hoài Ân: Ðương sự tố cơ quan thi hành án giữ tiền sai quy định
Cho rằng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Hoài Ân làm trái quy định khi cố tình kéo dài, không thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án (THA) cho đương sự nên ông Huỳnh Dâng (trú thôn Khoa Trường, xã Ân Ðức, huyện Hoài Ân) gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị xem xét, can thiệp. Thực hư vụ việc như thế nào?
Tháng 8.2006, bà Nguyễn Thị Kim Liên (trú thôn Khoa Trường) cùng 2 người con ký hợp đồng sang nhượng mảnh đất thuộc thửa số 408A, tờ bản đồ số 2 (tọa lạc tại đội 6, thôn Khoa Trường) với diện tích 115,5m2 cho vợ chồng ông Huỳnh Dâng, bà Nguyễn Thị Giáo; hợp đồng lập bằng văn bản viết tay và không được cơ quan thẩm quyền chứng thực.
Đến năm 2009, ông Dâng, bà Giáo tiến hành xây nhà kiên cố có diện tích hơn 239m2 trên thửa đất số 408A. Sau đó, vợ chồng ông Dâng yêu cầu gia đình bà Liên giao hồ sơ, giấy tờ để thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhưng gia đình bà Liên không đồng ý. Sau nhiều lần hòa giải tại địa phương bất thành, 2 bên đương sự đưa vụ việc ra tòa án để được phân xử.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 13/2013/DS-PT ngày 8.1.2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng tuyên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ lập vào tháng 8.2006 giữa vợ chồng ông Dâng với gia đình bà Liên vô hiệu. Ngoài ra, buộc vợ chồng ông Dâng trả lại cho gia đình bà Liên 115,5m2 đất tại thửa số 408A. Giao ngôi nhà có diện tích hơn 239m2 và các tài sản có trên đất, vật kiến trúc (tường rào, cổng ngõ, sân bê tông, cửa, kệ bếp…), các tài sản khác có trong ngôi nhà cho gia đình bà Liên sở hữu, sử dụng; buộc gia đình bà Liên thanh toán lại cho vợ chồng ông Dâng số tiền trên 834 triệu đồng…
“Tôi không chấp nhận lý do mà Chi cục THADS huyện Hoài Ân đưa ra để kéo dài, trì hoãn việc THA theo như bản án đã tuyên. Nếu cho rằng hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh, tại sao Chi cục lại nhiều lần ban hành quyết định giảm giá tài sản và tổ chức bán đấu giá? Còn nếu có thiếu sót trong quá trình lập hồ sơ pháp lý, thì cũng là trách nhiệm của cơ quan THA, nên cơ quan này phải sớm khắc phục, nhanh chóng giải quyết chứ?
Ông Huỳnh Dâng, trú ở thôn Khoa Trường, xã Ân Ðức, huyện Hoài Ân
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, vợ chồng ông Dâng tự nguyện giao trả tài sản (thửa đất và ngôi nhà); đồng thời, gửi đơn yêu cầu THA tới cơ quan THADS. Qua nhiều lần làm việc, nhưng bà Liên không tự nguyện THA nên Chi cục THADS huyện Hoài Ân quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để THA. Theo đó, tài sản kê biên, xử lý gồm: 1 ngôi nhà có diện tích hơn 239m2 và QSDĐ; các tài sản có trên đất; vật kiến trúc; cùng một số tài sản khác có trong ngôi nhà với giá khởi điểm 904 triệu đồng.
Sau đó, cơ quan THADS Hoài Ân và ngành chức năng có liên quan tiến hành bán đấu giá tài sản; qua 3 lần giảm giá, vào ngày 12.7.2014, bà Nguyễn Thị Ngọc Bình là người trúng đấu giá với số tiền 695,3 triệu đồng; 5 ngày sau khi trúng đấu giá, bà Bình nộp đủ số tiền cho cơ quan chức năng.
Thế nhưng, đến thời điểm cuối tháng 8.2015, Chi cục THADS huyện Hoài Ân không thực hiện việc giao tài sản cho người trúng đấu giá; cũng không thanh toán tiền THA cho ông Dâng theo như bản án mà tòa phúc thẩm đã tuyên.
Theo Chi cục THADS huyện Hoài Ân: Đơn vị này chưa giao tài sản cho người trúng đấu giá là bởi đơn vị thẩm định giá chưa thẩm định hết khối tài sản của bà Liên như trong biên bản cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản do hội đồng cưỡng chế kê biên lập vào ngày 26.9.2013. Ngoài ra, do hồ sơ pháp lý của tài sản bán đấu giá chưa hoàn chỉnh nên cơ quan THADS chưa thanh toán tiền THA cho ông Dâng.
Ông Dâng bức xúc: “Tôi không chấp nhận lý do mà Chi cục THADS huyện Hoài Ân đưa ra để kéo dài, trì hoãn việc THA theo như bản án đã tuyên. Nếu cho rằng hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh, tại sao Chi cục lại nhiều lần ban hành quyết định giảm giá tài sản và tổ chức bán đấu giá? Còn nếu có thiếu sót trong quá trình lập hồ sơ pháp lý, thì cũng là trách nhiệm của cơ quan THA, nên cơ quan này phải sớm khắc phục, nhanh chóng giải quyết chứ? Tôi yêu cầu Cục THADS Bình Định sớm xem xét, can thiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên liên quan”.
Có thể thấy, bức xúc của ông Dâng là có cơ sở, bởi khi bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật và đương sự có đơn yêu cầu THA, cơ quan THADS phải nhanh chóng thực hiện theo nội dung bản án. Thiết nghĩ, Chi cục THADS huyện Hoài Ân và Cục THADS Bình Định sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên liên quan, tránh tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến dư luận địa phương.
Trường hợp có nhiều người được THA thì việc thanh toán tiền THA được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Ðiều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được THA thì việc thanh toán được thực hiện theo tỉ lệ số tiền mà họ được THA;
b) Số tiền THA thu theo quyết định cưỡng chế THA được thanh toán cho những người được THA tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được THA theo các quyết định THA khác tính đến thời điểm thanh toán;
c) Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải THA.
(Trích khoản 2 Ðiều 47 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014).
VĂN LỰC