KỶ NIỆM 70 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM (2.9.1945 - 2.9.2015)
Sau 70 năm, những bài học còn nguyên giá trị
Ðể làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám, Ðảng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng trên tất cả các phương diện, đặc biệt đã biết chớp thời cơ, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2.9.1945, Ðảng ta và Hồ Chủ tịch tiếp tục lo củng cố chính quyền, xây dựng nhà nước kiểu mới. 70 năm sau, những bài học ấy còn nguyên giá trị khi đem áp dụng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Buổi tọa đàm khoa học “Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám” (19.8.1945-19.8.2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, do Trường Chính trị tỉnh chủ trì cùng với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào ngày 31.8, đã làm rõ thêm những điều này.
Những bài học lịch sử
Theo thạc sĩ Lê Văn Minh, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhưng cơ bản và quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của Đảng ta. Từ sự chuẩn bị về đường lối, lực lượng, căn cứ địa và đặc biệt là nghệ thuật dự báo thời cơ của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh - được thể hiện qua các Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6,7 và nhất là trong lần thứ 8.
Và khi thời cơ đến vào tháng 8.1945, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận định: “… Thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng hai mươi hôm... Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15.8 và sau ngày 5.9 đều không có khả năng thành công, bởi trước ngày 15.8, quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5.9, trên đất nước có nhiều kẻ thù. Chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó”.
Còn theo ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chính sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đảng đã tập hợp được các tổ chức yêu nước và đông đảo quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất trong tất cả mọi giai cấp, mọi tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, tiến bộ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, từ đó huy động sức mạnh to lớn của hơn 20 triệu đồng bào đứng dậy theo tinh thần “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu được đặt ra là xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng nhà nước cách mạng kiểu mới - khác về bản chất nhà nước của chế độ thực dân- phong kiến. Đây là Nhà nước nhân dân, mang đậm tính nhân bản, phục vụ dân tộc và nhân dân, bởi lẽ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Phát huy bài học trong ngày nay
Ông Hồ Sĩ Dũng cũng khẳng định, chính bài học về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã đưa đất nước ta giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thành công trong công cuộc đổi mới đất nước ngày nay.
Tuy nhiên, cũng theo ông, hiện nay sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, thể hiện qua: Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được thể chế đầy đủ thành pháp luật; việc tuyên truyền vận động, tập hợp thu hút nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân còn hạn chế. Vì vậy, giữ vững và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới là yêu cầu tất yếu khách quan và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - bài học vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Trong ảnh: Người dân huyện Phù Cát tham gia xây dựng giao thông nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HẢI YẾN
“Muốn làm được điều này, Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Trong tình hình hiện nay, để củng cố mối quan hệ máu thịt Đảng với dân, dân với Đảng, phải tăng cường các hoạt động kiểm tra và giám sát của nhân dân đối với Đảng; mở rộng dân chủ, thường xuyên trao đổi, đối thoại với các đoàn thể quần chúng bằng nhiều hình thức ở cả Trung ương, địa phương và cơ sở... Có như vậy mới thực sự phát huy được sức mạnh to lớn từ khối đại đoàn kết toàn dân”, ông Dũng nhấn mạnh.
Còn trong tham luận gửi đến tọa đàm, ông Ngô Việt Thống, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền - Sở Nội vụ, cho rằng qua 30 năm đổi mới, nhận thức lý luận của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng hoàn thiện. Cùng với đó, quan điểm, tư tưởng của Đảng về Nhà nước pháp quyền được không ngừng đổi mới và phù hợp với xu thế thời đại và đã chính thức được thể chế hóa tại Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Theo ông Thống, để xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả thì điều quyết định là phải nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước vì cốt tử của cải cách, hoàn thiện bộ máy nhà nước phải là vấn đề con người. Nếu cán bộ, công chức không vì dân, vì nước, thiếu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì kiến thức, kinh nghiệm và tài năng có giỏi mấy cũng sẽ vô dụng, có khi còn gây tác hại lớn hơn cho cách mạng, cho dân, cho nước.
NGUYỄN SƠN (lược ghi)
Cụ NGUYỄN KIM CƯ, 87 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa năm 1945
“Chỉ nghĩ đến việc đánh đuổi Pháp, thoát kiếp nô lệ”
Nhắc đến những thời khắc hừng hực khí thế trước ngày nổ ra tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Kim Cư (87 tuổi, hiện ở phường Lê Lợi, Quy Nhơn), bồi hồi: “Ngày ấy tôi mới 18 tuổi, ở quê nhà xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn bây giờ. Thời đó, công nhân các tỉnh phía bắc và ở huyện Hoài Nhơn vào Quy Nhơn làm việc vẫn hay tuyên truyền về việc phải đánh đuổi thực dân Pháp để dân ta thoát khỏi ách nô lệ; bản thân tôi cũng chứng kiến cảnh: Tây đoan bắt dân làm muối nên ức lắm. Do đó, khi hay tin tổng khởi nghĩa nổ ra, tôi nô nức lắm, tham gia đi biểu tình tại xã Nhơn Lý, rồi vào Đội tự vệ chiến đấu ở xã Nhơn Lý. Thời đó, không chỉ mình tôi mà rất nhiều người khác nữa chỉ nghĩ đến việc đánh đổ thực dân Pháp để dân ta thoát khỏi ách nô lệ lầm than. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi làm trưởng ban trinh sát của xã, tham gia dạy lớp bình dân học vụ...” .
Năm 1954, ông Cư tập kết ra Bắc làm trong ngành giao thông vận tải; năm 1971 ông xung phong đi B vào chiến trường miền Nam, làm việc tại Ban Giao vận Quân khu V, rồi về Ban Giao vận tỉnh Bình Định. Giải phóng năm 1975, ông Cư là Trưởng đoàn Giao vận của tỉnh vào tiếp quản thị xã Quy Nhơn, sau đó ông về làm việc tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho đến ngày nghỉ hưu.
Nói về việc xây dựng đất nước hiện nay, ông Cư bày tỏ: “Tôi mong sao cán bộ, đảng viên bây giờ rèn luyện, học tập, phấn đấu đóng góp nhiều hơn nữa, xứng đáng nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Cụ HUỲNH SƠN THẠCH, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng
Yếu tố con người là một trong những điều quan trọng nhất
Yếu tố con người là một trong những điều quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Để xây dựng một chính quyền hoạt động có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, theo tôi, các cấp ủy đảng và chính quyền cần chú trọng chọn người có phẩm chất đạo đức tốt, bởi nếu là người có tài mà đạo đức không tốt thì không cống hiến gì cho xã hội.
THU HÀ (ghi)