Lại lo với sốt xuất huyết
Tính đến cuối tháng 8.2015, toàn tỉnh đã ghi nhận 345 ca sốt xuất huyết (SXH), gần gấp đôi so với cùng kỳ 2014. Theo dự báo của ngành Y tế, nguy cơ dịch SXH còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các cơ sở điều trị trong tỉnh cũng “chật vật” với một lượng lớn bệnh nhân đến từ các địa phương lân cận.
“Điểm nóng” Quy Nhơn
Theo số liệu thống kê của TTYT TP Quy Nhơn, tính đến ngày 30.8, toàn thành phố đã có 151 ca SXH, chiếm gần một nửa lượng ca bệnh của toàn tỉnh. Cùng thời điểm này năm ngoái, số ca SXH chỉ dừng lại ở con số 49. Trong 21 xã, phường, chỉ còn 3 xã chưa có ca bệnh: Nhơn Châu, Nhơn Hội, Phước Mỹ. Ca bệnh tập trung nhiều ở Nhơn Phú (21 ca), Đống Đa (19 ca), Lê Lợi (15 ca), Trần Quang Diệu, Ngô Mây (cùng 14 ca)…
Vùng ven thành phố cũng là địa bàn xuất hiện nhiều ổ dịch. Trong 13 ổ dịch ghi nhận từ đầu năm 2015 đến nay, Trần Quang Diệu và Nhơn Phú mỗi phường có đến 3 ổ dịch, phần lớn mỗi ổ dịch có 2-3 ca bệnh. Đáng chú ý, đầu tháng 8, tại khu vực 7 phường Nhơn Phú xuất hiện ổ dịch lớn với 5 bệnh nhân.
Theo Đội trưởng Đội Vệ sinh phòng dịch TP Quy Nhơn Lê Văn Chiến, bên cạnh yếu tố thời tiết, nguyên nhân quan trọng khiến SXH bùng phát ở các khu dân cư vùng ven là ý thức phòng dịch của người dân còn thấp. “Qua điều tra cho thấy, lăng quăng xuất hiện nhiều trong các chậu cảnh, lốp xe cũ, lu chứa nước… Lượng dụng cụ chứa nước có lăng quăng ít, nhưng cái nào đã có thì có rất nhiều, đặc biệt là lu chứa nước ở nhà các cụ già neo đơn”, bác sĩ Chiến cho biết.
Từ ngày 4-7.8, Đội Vệ sinh phòng dịch TP Quy Nhơn tập trung xử lý chủ động trên địa bàn toàn phường Nhơn Phú, mỗi ngày có 7 máy phun hóa chất hoạt động liên tục. Trước đó, từ ngày 19.7-2.8, phường Nhơn Phú phát động toàn dân ra quân diệt lăng quăng. Đội Vệ sinh phòng dịch TP Quy Nhơn cũng tiến hành xử lý môi trường tại khu vực 5, phường Đống Đa và khu vực 8, phường Lê Lợi - những nơi có mật độ muỗi cao.
“Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tiếp tục phun hóa chất chủ động, điều tra mật độ muỗi để xử lý môi trường, hạn chế nguy cơ SXH phát triển thành dịch trên diện rộng”, bác sĩ Chiến thông tin.
Gánh nặng điều trị
Trong khi sốt rét và tay- chân - miệng có dấu hiệu giảm, thì SXH đang là mối lo của ngành Y tế với sự gia tăng đáng kể số ca bệnh. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận gần 23.000 trường hợp mắc, 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc tăng 49,6%, tử vong tăng 2 trường hợp.
Tại Gia Lai, thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) được xem là điểm nóng SXH, khi có tới hơn 85% số người mắc bệnh. Ông Bùi Văn Cử, một người dân sống tại đây cho biết, hàng xóm nhà ông có 6 người bị SXH và nhập viện điều trị cùng lúc. Khu vực ông sinh sống đã được phun hóa chất 4 lần, nhưng số ca bệnh vẫn không giảm. Ông Cử vừa khỏi SXH đã tới con trai Bùi Quốc Việt. Sau 5 ngày điều trị tại huyện nhưng không đỡ, men gan lại tăng gấp 10 lần ngưỡng bình thường, ông hốt hoảng đưa con xuống khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh Bình Định). Sau 3 ngày điều trị, đến trưa 2.9, thân nhiệt của Việt đã xuống mức 37,50C.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho hay, trong 3 tháng 6, 7, 8.2015, khoa đã tiếp nhận và điều trị 60 bệnh nhân SXH. 60% trong số đó là bệnh nhân ngoài tỉnh, chủ yếu là Gia Lai, Phú Yên. Bệnh nhân trong tỉnh cũng tăng 1,5 lần so với năm 2014. Các ca bệnh nhập viện điều trị chủ yếu mắc SXH Dengue ở thể nhẹ. Số bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo (ngoài sốt còn có nôn mửa nhiều, mệt mỏi, lượng tiểu cầu giảm nhanh…) chỉ chiếm khoảng 10%.
“Để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả SXH, người bệnh cần phân biệt SXH với sốt thông thường. Bệnh nhân SXH thường sốt cao liên tục, có những chấm xuất huyết trên da, xét nghiệm máu thì tiểu cầu giảm dưới 100 ngàn/mm3”, bác sĩ Oanh lưu ý.
NGUYỄN VĂN TRANG