Để dân ca bài chòi phát triển
Làm gì để dân ca bài chòi được gìn giữ và phát triển là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Phải nói rằng trong các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, quan họ, tuồng, đờn ca tài tử… tôi thấy đờn ca tài tử Nam Bộ có nhiều cuộc thi, sự kiện nhất với lượng người hâm mộ đông đảo khắp trong và ngoài nước. Và, sẽ không quá khi nói rằng hiện nay đờn ca tài tử cải lương là món ăn tinh thần như cơm bữa của người dân Nam Bộ.
Dân ca bài chòi cũng có những nét tương đồng về các làn điệu, nội dung có thể sáng tác…với ca vọng cổ, nên có thể vận dụng cách làm của loại hình nghệ thuật này vào dân ca bài chòi. Tôi thử mạo muội đưa ra các giải pháp nhỏ để phát triển dân ca bài chòi:
Về sáng tác, hiện nay tôi thấy rất ít các sáng tác mới trong dân ca bài chòi. Mong các nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tác nhiều bài dân ca, trích đoạn, vở ca kịch bài chòi với nội dung gắn với đời sống thực tế hơn. Các cơ quan nhà nước huy động, tạo nguồn kinh phí, tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác ca khúc mới… tạo khí thế mới trong việc sáng tạo ra nhiều bài ca hay phù hợp, gắn liền với cuộc sống.
Về quảng bá, Đài PT-TH Bình Định nên có một khung giờ cố định phát sóng dân ca bài chòi hàng ngày. Các hạt nhân là các nghệ nhân, cán bộ văn hóa các cấp phổ biến, giới thiệu khơi gợi niềm yêu thích đam mê hát bài chòi cho học sinh, sinh viên, người lao động. Các cơ quan chức năng kết hợp các đơn vị tổ chức liên quan nên lồng ghép các tiết mục dân ca bài chòi trong các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, kỷ niệm. Các cơ quan báo đài mời các nghệ sĩ, nghệ nhân giao lưu với khán thính giả; tổ chức các cuộc thi dân ca bài chòi trên truyền hình, phát thanh tạo sân chơi tích cực cho đông đảo người yêu thích bài chòi nói riêng và người mến mộ nhạc cổ truyền nói chung.
Hy vọng rằng với sự chung sức đồng lòng, chúng ta có thể đưa nghệ thuật bài chòi lan tỏa trong tiến trình bảo tồn, phát triển để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại trong tương lai gần.
N.N.N