Đào tạo nghề cho lao động huyện miền núi An Lão: Còn lắm khó khăn
Thời gian qua, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động tại huyện miền núi An Lão tuy đã được quan tâm nhưng kết quả còn rất hạn chế.
Ông Từ Xuân Mười, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, cho biết: “Khó khăn lớn nhất là trình độ kiến thức và tay nghề của người lao động trong huyện hiện còn thấp. Đặc biệt, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số thích làm việc tự do ở nhà, không muốn làm việc trong môi trường có kỷ luật lao động chặt chẽ nên rất ít chịu đi học nghề để có thể vào làm việc ở các nhà máy, công ty trong và ngoài tỉnh”.
Cơ sở may gia công của anh Duy đang tạo việc làm cho 25 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Ảnh: NGUYỄN HỒNG PHÚC
Cũng theo ông Mười, trong năm 2014 huyện nhận được 150 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Sau khi nhận được hỗ trợ, Phòng LĐ-TB&XH đã khảo sát ngẫu nhiên 880 hộ gia đình ở 6 thôn thuộc 3 xã An Hòa, An Tân và An Trung. Kết quả có 1.141 lao động có nhu cầu học nghề; trong đó có 61% muốn học ngành chăn nuôi trồng trọt, 39% có nhu cầu học các ngành nghề khác như: mộc, nề, thú y, hàn, may. Một kết quả khảo sát khác trên những người còn trong độ tuổi lao động mà Phòng thực hiện cũng cho thấy, nhu cầu học nghề để cải thiện năng suất lao động, tạo việc làm nâng cao thu nhập của người dân địa phương khá cao, nhất là các ngành nghề về lâm nghiệp, nông nghiệp, nghề may, nghề điện, nghề thủ công mỹ nghệ.
Trên cơ sở đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão đã xây dựng kế hoạch mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 500 lao động. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất và thiếu giáo viên, nên năm 2014 Phòng LĐ-TB&XH huyện chỉ mở được 2 lớp dạy nghề may gồm 58 học viên và 1 lớp nấu ăn có 35 học viên tham gia. “Năm 2015, UBND tỉnh giao cho huyện 350 triệu đồng để đào tạo nghề cho 250 lao động nông thôn, nhưng đến thời điểm này Phòng mới phối hợp với Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh mở được 2 lớp may với 70 học viên”, ông Mười cho biết.
Còn tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp huyện An Lão, tuy đã đi vào hoạt động từ tháng 9.2012, nhưng do cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên Trung tâm chỉ mới dạy nghề cho học sinh phổ thông chứ chưa nhận đào tạo nghề cho lao động địa phương.
Trong khi đó, tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện như An Toàn, An Vinh, An Dũng, người lao động cũng chưa thực sự mặn mà với việc học nghề vì đi lại khó khăn và chế độ hỗ trợ cho học viên học nghề còn thấp. Nếu học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và hộ trong diện bị thu hồi đất canh tác thì được học nghề miễn phí và nhận hỗ trợ 15.000 đồng/ngày. Với mức hỗ trợ thấp như vậy, mỗi tháng học viên đi học nghề phải tự chi thêm vài trăm ngàn đồng mới đủ trang trải các nhu cầu tối thiểu. Đó là chưa kể đến khả năng, học nghề xong chưa chắc đã tìm được việc làm ổn định; trong khi đó nếu ở nhà, họ đi làm nghề rừng cũng có thể kiếm được khoảng 200 ngàn đồng/người/ngày.
Được biết, hiện trên địa bàn An Lão chỉ có cơ sở may gia công ở xã An Hòa nhận công nhân đã qua đào tạo nghề do anh Nguyễn Xuân Duy, 36 tuổi, làm chủ cơ sở. Anh Duy cho biết: “Vừa qua cơ sở may gia công của tôi phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận 8 lao động địa phương vào làm việc. Tuy đã được học nghề từ trước nhưng khi vào đây làm tay nghề của họ vẫn còn yếu, tôi phải hướng dẫn thêm. Các lao động này đã vững tay nghề, hưởng lương 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng”.
Ông Từ Xuân Mười, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, nhìn nhận: “Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả tại huyện miền núi như An Lão, ngoài việc đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm tại chỗ thì cần có sự gắn kết đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, theo địa chỉ rõ ràng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra, khảo sát kỹ nhu cầu sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn để tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với thực tế hơn”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC