KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG TAND (13.9.1945 - 13.9.2015) VÀ 40 NĂM TÒA ÁN HAI CẤP TỈNH BÌNH ĐỊNH:
Đổi mới tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, công khai
Đây là giải pháp mà Tòa án hai cấp tỉnh Bình Định đề ra nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống TAND (13.9.1945 - 13.9.2015) và 40 năm xây dựng, trưởng thành của Tòa án hai cấp Bình Định, Chánh án TAND tỉnh Đặng Công Lý đã trả lời phỏng vấn của Báo Bình Định về vấn đề này.
* Thưa ông, xin ông vui lòng điểm lại những mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển hệ thống TAND nói chung và của Bình Định nói riêng?
Ông Đặng Công Lý Chánh án TAND tỉnh
- Ngày 2.9.1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời thì đến ngày 13.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và ban hành Sắc lệnh số 33 thiết lập các tòa án quân sự. Bằng sắc lệnh này, trên toàn lãnh thổ Việt Nam đều thiết lập các tòa án quân sự với nhiệm vụ “xét xử tất cả những người nào phạm vào một việc gì đó có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Đây là dấu son đánh dấu sự ra đời của hệ thống tòa án Việt Nam.
Năm 1975, đất nước thống nhất, tại Bình Định, Tòa án hai cấp được thành lập nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, TAND tỉnh chỉ có hơn 10 cán bộ, nhân viên, ở cấp huyện mỗi đơn vị có vài ba người. Nhưng 40 năm sau, Tòa án hai cấp đã có 224 cán bộ, công chức, trong đó có 54 thẩm phán sơ cấp, 22 thẩm phán trung cấp, 1 thẩm phán cao cấp. Trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ từng bước được nâng cao. Cơ sở vật chất cũng được trang bị ngày một đầy đủ hơn đáp ứng cho công việc.
* Xét xử án đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của tòa án. Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tòa án hai cấp tỉnh thời gian qua?
- Như tôi đã nói, ban đầu Tòa án hai cấp gặp không ít khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của TAND tối cao và Bộ Tư pháp, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan khối nội chính, sự giúp đỡ của nhân dân, Tòa án hai cấp đã từng bước trưởng thành, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngành TAND sẽ đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật.
- Trong ảnh: Một phiên tòa hành chính do TAND tỉnh xét xử.
40 năm qua, Tòa án hai cấp đã đưa ra giải quyết, xét xử 86.149 vụ án các loại, trong đó, án hình sự 21.679 vụ/25.729 bị cáo; dân sự 33.753 vụ; hôn nhân và gia đình 29.042 vụ; kinh doanh thương mại, lao động, hành chính 1.675 vụ; đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 22.096 bị án.
Đối với án hình sự, tòa xét xử đúng người, đúng tội, không kết án oan người không phạm tội, không bỏ lọt tội phạm; xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án dư luận quan tâm. Tòa án hai cấp cũng phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, nhất là các vụ án trọng điểm; tăng cường công tác xét xử lưu động, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Trong năm 2013, tỉ lệ án hình sự xét xử trong tỉnh đạt 98,7%, năm 2014 tăng lên 99%.
Riêng các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại... vốn phức tạp nhưng toàn ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, kiên trì hòa giải và giải quyết khách quan, đúng pháp luật. Năm 2013, án dân sự giải quyết đạt 95,5%, năm 2014 đạt 95,3%. Tỉ lệ hòa giải thành trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại tương đối cao.
* Trong xu hướng các loại án có chiều hướng tăng do tính chất phức tạp của xã hội, nhất là án dân sự, hành chính, lao động, Tòa án hai cấp đề ra những chủ trương và biện pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử?
- Để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã đề ra một số giải pháp cơ bản, mang tính đột phá. Trong đó, theo tôi, quan trọng nhất là phải tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật.
Để nâng cao năng lực xét xử các loại án nói chung và án dân sự, hành chính, lao động nói riêng, chúng tôi sẽ tập trung làm tốt công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thẩm phán, hội thẩm nhân dân; làm tốt khâu xác minh, thu thập chứng cứ, kiên trì hòa giải trong các vụ án dân sự; nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của thẩm phán nhằm hạn chế tối đa tình trạng án quá hạn luật định, án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Cùng với đó, Tòa án hai cấp tiếp tục triển khai nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức TAND” và phong trào thi đua “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”.
Ngoài ra, việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến tòa cũng sẽ được chú trọng hơn trong thời gian đến.
* Cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)