Đan áo ấm gửi Trường Sa
Chia sẻ cái lạnh trong mùa Đông sắp đến với những người lính ngày đêm canh giữ đất trời, bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa, bà Bốn Bộ (tên thật là Mang Thị Bộ, 66 tuổi, ở thôn Hải Nam, xã bán đảo Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) đã dùng khoản tích cóp tuổi già, vận động những nhà hảo tâm mua len đan áo cho chiến sĩ ngoài đảo.
Bà Bộ gửi 30 chiếc áo len tới Hội LHPN xã Nhơn Hải nhờ chuyển đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Giải thích về nghĩa cử của mình, bà Bộ nói: “Chưa một lần được tới Trường Sa, nhưng hình ảnh các chiến sĩ trên đảo ngày ngày vật lộn với từng con sóng, giữ trời, giữ đảo quê hương tôi mà tôi xem được trên ti vi hay nghe đài làm tôi rất cảm động và muốn làm một chút gì đó gởi cho các cháu, nhưng mà nhà nghèo điều kiện chẳng có. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi quyết định đan áo ấm gởi ra đảo. Người ta góp của, tôi góp công, chiếc áo là tấm lòng từ người dân đất liền gởi tới hải đảo xa xôi”.
Đan mỗi chiếc áo mất gần 10 ngày mới hoàn thành, ròng rã hơn nửa năm trời, bà Bộ mới hoàn thành được 30 tấm áo. “Ban đầu ngồi ghế đan, ngồi lâu tay mỏi, chân nhừ, lưng hông đau nhức không chịu nổi, phải đổi sang ngồi võng mới đan được. Có lúc ngồi cả ngày, cả người tê rần”, bà Bộ nói. Ngày còn trẻ, bà Bộ tham gia thanh niên xung phong ở chiến trường Campuchia nên hiện là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hải.
Ở tuổi 66, bà Bộ sống cùng em gái Mang Thị Bích Hoa (64 tuổi) trong ngôi nhà nhỏ khá đơn sơ ở thôn Hải Nam. Hôn nhân đứt gánh giữa đường, không chồng, không con, chị em bà Bộ nhận một bé gái về nuôi. Người con gái lớn lên có con ngoài giá thú rồi biệt tích đến nay, còn đứa cháu hai bà nuôi khôn lớn nay cũng đã tìm đường vào Sài Gòn làm ăn, sinh sống. Ở tuổi xế chiều, hai chị em gái nương nhau mà sống.
“Gia cảnh khó khăn, phải tích cóp dành dụm rồi đi vận động nhà hảo tâm, vậy bà có cực quá không?”- tôi hỏi. Người phụ nữ có khuôn mặt đôn hậu này cười xòa: “Lòng thành chẳng bao giờ là cực khổ. Tôi chỉ có cái công đan áo, còn của là từ những nhà hảo tâm hỗ trợ. Vui nhất vẫn làm góp chút hơi ấm, niềm vui cho lính đảo. Không chỉ là tấm lòng hậu phương, mà với tôi mỗi chiếc áo còn là tấm lòng của người lính già gởi tới người lính trẻ hôm nay”. Nói rồi, bà lại trầm tư: “Nghe nói chiến sĩ ngoài đảo rất đông, giờ mới đan được 30 cái gởi ra, người có người không cũng chạnh lòng. Tôi ráng hết sức, vận động có ai giúp đỡ thêm tiền hoặc gửi len để có thể đan thêm áo gởi ra ngoài đó. Áo tự tay mình đan, tuy không đẹp bằng áo mua nhưng mà có hơi ấm của tình thương, của tình người. Tôi nghĩ, điều đó sẽ làm các chiến sĩ vui hơn, ấm lòng hơn khi nhận quà, bởi họ cảm nhận được tấm lòng của những người ở đất liền”.
Thường xuyên đau nhức bởi những căn bệnh tuổi già nhưng bà Bộ vẫn miệt mài với từng mũi len, hoàn thành những chiếc áo gởi hơi ấm tới lính đảo.
Chị lo đan áo, em quán xuyến việc nhà. Bà Mang Thị Bích Hoa, em gái bà Bộ, nói thêm: “Mấy bữa nay chị Bộ ngồi nhiều nên hay đau lưng, thi thoảng tôi phải bảo chị nghỉ ngơi rồi đan tiếp. Nhà neo người cũng chẳng có việc gì, chị đan áo, tôi lo cơm nước cũng coi như chia sẻ công việc với chị đặng chị đan áo gửi ra ngoài đảo xa. Mới rồi, nhận được tiền hỗ trợ từ địa phương, chị ấy vội đi mua len tiếp tục đan thêm áo gởi ra cho kịp mùa đông tháng giá sắp đến”.
Bà Mang Thị Huyền Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Hải, cho biết: “Nhận những tấm áo len mới tinh từ tay cô Bộ, chúng tôi chuyển vào cho Hội LHPN tỉnh nhờ chuyển ra cho các chiến sĩ ngoài đảo. Tấm áo ấy là tấm lòng của cô Bộ, là một hành động đẹp của người dân muốn chia sẻ với những người đang làm nhiệm vụ trên đảo. Sau khi biết cô Bộ có hành động thiết thực như vậy, chúng tôi động viên, khuyến khích và đề nghị các hội, đoàn thể địa phương cùng chung tay, hỗ trợ tạo điều kiện cho cô tiếp tục có nguồn kinh phí để thực hiện nghĩa cử cao đẹp này”.
Bài và ảnh: THU DỊU