CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG…
Hãy cùng chia sẻ để yêu thương
Khi đọc những dòng tâm sự của chị Quỳnh Dao ở kỳ trước, tôi khá đồng cảm vì cũng là mẹ của hai con vừa bước qua tuổi vị thành niên.
Thú thật, dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước và vợ chồng cũng thống nhất với nhau rất nhiều điều để cùng con vượt qua lứa tuổi này nhưng khi con trai lớn rồi đến con gái bước vào giai đoạn này, vợ chồng tôi cảm giác con như người lạ trong nhà.
Có lúc các con thể hiện, nói năng như người lớn, khi lại quá trẻ con không thể chấp nhận được. Con trai- dù đã được ba mẹ khuyên nhủ từ trước- vẫn tập tành hút thuốc, tụ tập bạn bè rất ngông. Con gái bắt đầu điệu đà, son phấn, bí mật việc hẹn hò, gặp gỡ với bạn bè. Chỉ cần ba mẹ nhắc nhở con vài câu là con chạm tự ái, hầm hầm vào phòng đóng sầm cửa lại, thậm chí bỏ cơm tối hay giả đau giả ốm. Giai đoạn “ẩm ương” ấy- cha mẹ dù đã trải qua nhưng bởi sự cách biệt về thế hệ, tuổi tác nên dường như không thể hiểu được con.
Nhưng khi đã may mắn qua “ải” ở thời điểm ấy, tôi ngẫm lại mình đã đi đúng hướng. Cứ mỗi lần tôi hoặc chồng la mắng thì người kia phải lên tiếng bảo vệ, thân thiện, hòa giải với con. Khi bình tĩnh lại, chúng tôi đều nhận sai lầm, xin lỗi con vì đã lớn tiếng. Tùy theo sự việc đúng- sai chúng tôi sẽ nhẹ nhàng hỏi xem con làm và nói đã đúng chưa… rồi khuyên răn con.
Quả thật, nói chuyện với con thật khó. Vì vậy muốn nói chuyện với con để con nghe, chúng ta cần có nhiều thời gian quan tâm tới đời sống tinh thần của con, hiểu con và biết cách lắng nghe con. Tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm mong sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kinh nghiệm: Đó là không bao giờ nên chê bai rồi so sánh con với người khác. Cần tin tưởng lắng nghe con, tạo điều kiện cho con cảm thấy hạnh phúc, cho con thực hiện ước mơ. Đừng vùi dập suy nghĩ, sở thích, ước mơ của con và bắt con sống kỳ vọng của chính mình. Khi con thất bại, cha mẹ nên khuyến khích con đứng dậy, tiếp tục con đường con đã lựa chọn. Quan tâm đến con để kịp thời uốn nắn nhưng vẫn dành cho con không gian riêng; luôn là bạn của con và tập dần với sự thật: con mình không còn bé bỏng nữa.
Thông thường, sự chống đối của con cái với ba mẹ trong tuổi vị thành niên xuất phát từ tâm lý cảm thấy ba mẹ không hiểu mình, xem mình là trẻ con, kiểm soát và ngăn cấm mình theo cái nhìn chủ quan của người lớn. Tùy hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình, phụ huynh sẽ có cách dạy con, cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu biết cách làm bạn với con, lắng nghe con với thái độ tôn trọng thì con sẽ vứt bỏ tâm lý chống đối để có thể trải lòng với ba mẹ về âu lo, mơ ước của bản thân.
YẾN NHI