“Hậu tăng lương”!
Sau rất nhiều phiên đàm phán, thương lượng khá căng thẳng, đến cuối ngày 3.9 “nút thắt” về tỉ lệ tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 cũng đã được tháo gỡ, khi cả đại diện giới sử dụng lao động và đại diện người lao động (NLĐ) cùng thống nhất mức tăng là 12,4% so với năm 2015. Các chuyên gia về lao động - tiền lương cho rằng với tỉ lệ tăng này, lương sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Được biết, trong quá trình thương lượng giữa các bên tham gia đàm phán, mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện, vì vậy kết quả tính toán đưa ra thường có sự chênh lệch khá xa giữa các bên. Ngay cả mức tăng 12,4% được các bên “chốt” trong ngày 3.9 vẫn làm các bên chưa thực sự hài lòng, vì trước đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đại diện cho chủ sử dụng lao động chỉ chấp nhận con số cao nhất là 10,7% còn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đại diện cho NLĐ chỉ chấp nhận mức tăng tối thiểu 14,3%.
Bản chất của tiền lương là phải bảo đảm hài hòa lợi ích của 2 bên tham gia trong quan hệ lao động là giới “chủ” và “thợ”, thậm chí cả lợi ích của bên thứ 3 là Nhà nước nữa. Điều 91, Bộ luật Lao động 2012 quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, cho đến nay lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được trên 70% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, cuộc sống của công nhân rất khó khăn. Đó là một nghịch lý cần phải thay đổi. Ở chiều hướng ngược lại, hiện nay có tới 70% doanh nghiệp đang làm ăn không có lãi, mức tăng lương không hợp lý sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh, thu hẹp sản xuất. Khi doanh nghiệp khó khăn thì không chỉ không có khả năng tăng lương, chưa nói tới chuyện NLĐ còn có thể bị mất việc làm.
Thông tin phản hồi sau khi phương án tăng lương được “chốt” cho thấy, trong bối cảnh hiện nay mức tăng lương 12,4% là mức chấp nhận được để hài hòa lợi ích của 2 bên. Phía NLĐ, tuy chưa thỏa mãn, nhưng cho rằng mức lương tăng thêm sẽ giúp họ bớt khó khăn, chật vật hơn trong việc chi tiêu. Còn phía sử dụng lao động thì cho rằng với mức tăng này thì gánh nặng tài chính sẽ tăng thêm và doanh nghiệp sẽ buộc phải giảm bớt phần lãi của mình để san sẻ với NLĐ.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không kém việc tăng lương là các vấn đề của “hậu tăng lương”. Thực tế cho thấy, cứ mỗi lần tăng lương là mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng tăng theo kiểu “té nước theo mưa”. Nếu cái vòng luẩn quẩn này tiếp tục diễn ra, sau khi được tăng mỗi tháng thêm vài trăm ngàn đồng tiền lương, NLĐ sẽ phải chi thêm bằng hoặc hơn số đó cho việc tăng giá, thì cuộc sống của họ vẫn khó khăn, có khi còn bị chật vật hơn thì việc tăng lương đã không còn ý nghĩa.
Do đó, vấn đề đặt ra ở “hậu tăng lương” là vai trò quản lý của Nhà nước trong việc bảo đảm giá trị thực của việc tăng lương. Vì cùng với việc tăng lương vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, điều mà NLĐ mong giá cả hàng hóa bình ổn, phúc lợi xã hội cải thiện, điều kiện giáo dục, y tế tốt hơn, chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp được thực thi hiệu quả. Chỉ có như vậy thì việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa và đời sống của NLĐ mới thực sự được cải thiện từng bước để ngày một tốt hơn.
H.Đ