Người dân Nhơn Lý mê hát bội
Chuyện nô nức rủ nhau đi xem hát bội trong các dịp lễ, tết đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân xã bán đảo Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, mới đây được xem hát bội trong lễ cúng thần Nam Hải do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn, nhiều bà con cho biết: “Thật là mãn nhãn”.
1.
Khác với các đợt trước, ba đêm biểu diễn (từ ngày 1 - 3.9 vừa qua) của Nhà hát tuồng Đào Tấn diễn ra trong không khí quê hương Nhơn Lý tràn ngập niềm vui, phấn khởi khi được vinh dự đón nhận bằng xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh Lăng Ông Nam Hải ở vạn đầm Hưng Lương. Không phải tập trung một chỗ như thường lệ, lần biểu diễn này được phân làm hai địa điểm khác nhau. Đêm đầu tiên là hát lễ tế thần tại Lăng Ông Nam Hải, các đêm còn lại diễn phục vụ nhân dân ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Nhơn Lý. NSND Minh Ngọc, Phó trưởng đoàn biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Khi nhận được kế hoạch lưu diễn ở Nhơn Lý, anh em nghệ sĩ chúng tôi rất phấn khởi vì bà con ở vùng biển này rất mê hát bội”.
Các vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn đã lôi cuốn khán giả Nhơn Lý.
Đáp ứng lòng mong mỏi của người dân địa phương, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã đem đến cho khán giả 3 vở tuồng đặc sắc là Cổ Thành, Viên ngọc quý và Tam hạ Nam Đường. Các vai diễn do nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Xuân Hợi, NSND Minh Ngọc, NSƯT Tuyết Mai, NSƯT Kim Thành, NS Đình Trương, NS Thanh Thủy, NS Thanh Bình… cùng lớp diễn viên trẻ được tạo điều kiện thể hiện khả năng của mình. Mỗi đêm diễn một vở có sức hấp dẫn riêng, người dân Nhơn Lý đã say mê thưởng thức những bữa tiệc nghệ thuật tuồng lúc sôi nổi với tính cách khí khái anh hùng cùng Quan Vũ trong vở Cổ Thành, lúc lại hòa dòng tâm trạng với mối tình đẹp của Lưu Kim Đính - Cao Quân Bảo trong Tam hạ Nam Đường.
Nhiều người dân Nhơn Lý đã rủ nhau đến xem không sót đêm diễn nào của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Có những khán giả am hiểu tuồng tích nên đã có những nhìn nhận sâu về các vở diễn. Ông Ba Sự (82 tuổi) cho biết: “Tui rất mê hát bội, lần nào nghe có đoàn tuồng về hát thì phải đi xem cho kỳ được. Có những vở tui xem Nhà hát tuồng Đào Tấn diễn hoài mà không chán, như vở Cổ Thành của cụ Đào Tấn. Cũng vở diễn ấy, vai diễn ấy, nhưng các nghệ sĩ rất sáng tạo, mỗi lần diễn lại có một cái hay riêng trong sự thể hiện cung bậc cảm xúc, nội tâm nhân vật qua cách diễn cách hát...”. Một khán giả hâm mộ khác là anh Bốn Sang (42 tuổi) thì chia sẻ: “Xem hát lần này tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi mối tình đẹp của hai nhân vật Mã Khắc Sinh và Hoàng Lan Khương trong vở Viên ngọc quý. Diễn viên hát hay và diễn rất đẹp, có những đoạn rất cảm động…”.
2.
Người dân Nhơn Lý vẫn gìn giữ truyền thống mê hát bội, nên địa phương này là điểm diễn trong nhiều năm qua của Nhà hát tuồng Đào Tấn. NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Mỗi khi Nhà hát có dịp về Nhơn Lý biểu diễn trước đây, bà con đến xem rất đông. Đợt biểu diễn năm nay còn đông hơn, ai nấy đều bày tỏ sự vui tươi khi được xem các vở diễn. Điều này tạo nên động lực lớn để các diễn viên “cháy” hết mình phục vụ bà con”.
Mặc dù có tấm lòng yêu nghệ thuật hát bội nhưng vì đời sống kinh tế của người dân địa phương còn khó khăn, ngân sách địa phương eo hẹp, nên theo lệ nếu không có sự kiện gì đột xuất, thì phải 3 năm thì nhân dân xã đảo Nhơn Lý mới tổ chức mời đoàn hát bội về biểu diễn phục vụ nhân dân gắn với lễ hội cầu ngư ở Lăng Ông Nam Hải. Hy vọng thời gian tới cùng với sự phát triển kinh tế thì xã Nhơn Lý sẽ có điều kiện tốt hơn để tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Người dân địa phương cũng sẽ được thưởng thức thêm nhiều vở tuồng hay để nuôi dưỡng niềm đam mê đã trở thành nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt văn hóa…
LÊ CÔNG PHƯỢNG