Góp ý dự thảo Luật trưng cầu ý dân: Cần cụ thể hóa các vấn đề trưng cầu ý dân
Đoàn ĐBQH tỉnh vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật trưng cầu ý dân (ảnh). Dự thảo Luật trưng cầu ý dân lần này có 8 chương, 53 điều, giảm 1 chương và 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Luật quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí nội dung của dự thảo luật, phân tích sâu sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến băn khoăn, nhất là quy định ở Điều 6: “...Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác của đất nước” còn chung quá. Để cụ thể hóa quy định này, các đại biểu đề nghị phải làm rõ hai nội dung: những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội và điều kiện, thời điểm Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân.
Đồng tình quan điểm này, ông Hồ Xuân Ánh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nói thêm: “Ngoài quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cũng cần quy định rõ Quốc hội trưng cầu ý dân về “những vấn đề quan trọng khác của đất nước” là vấn đề gì, và quy định chặt chẽ về tiêu chí, điều kiện, làm rõ phạm vi để không trùng với các vấn đề đã được quy định ở các luật khác cũng như tránh được những vấn đề nhạy cảm mà thế lực thù địch có thể xuyên tạc. Phải đảm bảo cung cấp cho người dân đầy đủ, chính xác thông tin các vấn đề cần lấy ý kiến; thời gian lấy ý kiến nên tùy điều kiện thực tế không nhất thiết phải khống chế như trong bầu cử”.
Bà Trần Thị Túy (Phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp), ý kiến: “Đứng về khía cạnh công dân, là một trong những đối tượng áp dụng trực tiếp Luật này (ngoài Quốc hội, cơ quan trình) thì rõ ràng nên quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội để công dân còn biết các trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của mình đối với những vấn đề quan trọng nào của đất nước. Còn quy định thế nào để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật thì cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu để quy định theo hướng liệt kê từng vấn đề cụ thể hoặc có thể quy định theo các nhóm vấn đề”.
Về kết quả trưng cầu ý dân (Điều 49), đa phần các đại biểu đều cho rằng quy định “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành” là chưa phù hợp. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình (Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh, ảnh), lập luận: “Lấy một nửa số ý kiến nhất trí như vậy đã công khai và phản ánh đúng thực chất chưa, hơn nữa 50% này đã là ý kiến đại diện cho tất cả nhân dân hay chưa? Và để thu hút sự quan tâm, tham gia của người dân trong việc trưng cầu ý dân thì công tác truyền thông cũng hết sức cần thiết, bởi việc góp ý này không chỉ thể hiện nghĩa vụ của công dân mà còn là trách nhiệm của chính quyền của Nhà nước. Nên theo tôi, nên nâng lên mức 70% số phiếu hợp lệ tán thành thì mới hiệu quả”.
KIỀU ANH