Hộ nghèo phải nộp tiền đối ứng mới được nhận hỗ trợ
Trong quá trình thực hiện hỗ trợ một lần tiền mua giống bò cái cho hộ nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP (gọi tắt là NQ 30a), UBND xã An Hòa đặt ra quy định: Mỗi gia đình được hỗ trợ phải nộp thêm số tiền hơn 5 triệu đồng. Nhiều hộ nghèo buộc phải thực hiện “sáng kiến” này nhưng vô cùng ấm ức.
Ngày 25.4.2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1223/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung hỗ trợ phát triển sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng thuộc NQ 30a tại 3 huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Theo đó, số tiền hỗ trợ chuyển đổi vật nuôi có giá trị kinh tế như một con trâu cái, hoặc một con bò cái, hoặc hai con heo nái,… không quá 10 triệu đồng/hộ; giống vật nuôi phải khỏe mạnh, được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
Sau khi nộp số tiền 5,5 triệu đồng, chị Diệu phải bù thêm 1,5 triệu đồng để đổi con bò khác.
Tuy nhiên, nhiều người dân ở xã An Hòa phản ánh rằng: Khoảng gần cuối năm 2014, khi thực hiện NQ 30a, chính quyền địa phương đặt ra quy định, trước khi nhận bò, 31 hộ nghèo được hỗ trợ một con bò cái trong đợt này, mỗi hộ phải nộp thêm khoảng 5 triệu đồng để mua giống tốt hơn. Việc thu tiền này không có bất kỳ biên lai hoặc giấy thu tiền, người nhận chỉ ký vào bảng thống kê của UBND xã An Hòa là đã nhận bò từ chương trình chính sách hỗ trợ (?!)
Chủ trương này khiến dư luận bức xúc, gây không ít khó khăn cho người thụ hưởng. Theo những người thụ hưởng, để được nhận con bò, họ phải đi vay mượn khắp nơi, từ người thân cho đến hàng xóm, người quen, gom góp vay mượn sao cho đủ tiền để đóng cho xã. Vậy nhưng có gia đình thậm chí phải nhận vật nuôi đang đau bệnh, không đảm bảo chất lượng.
Đơn cử trường hợp của chị Nguyễn Thị Diệu (ở xóm 2, thôn Long Hòa, xã An Hòa). Sau khi nộp số tiền 5,5 triệu đồng, gia đình chị Diệu nhận được 1 con bò bị tiêu chảy; dù chữa trị hơn 1 tuần nhưng con bò giống không khỏi bệnh nên đành phải bù tiếp thêm 1,5 triệu đồng để đơn vị cung ứng vật nuôi đổi con khác.
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Mậu, ở xóm 1, thôn Long Hòa, xã An Hòa, bức xúc: “Cách đây 2 năm, con gái tôi là Nguyễn Thị Hồng Khương, thuộc hộ nghèo được nhận bò theo Nghị quyết 30a nhưng không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Còn hiện nay, chủ trương thu thêm tiền của xã khiến người dân phản ứng dữ dội. Tức thì tức nhưng vì ai cũng sợ mất suất hỗ trợ nên đành cắn răng chịu đựng. Nhưng điều lạ là tại các xã khác, người dân đâu phải nộp khoản tiền gì”.
Còn bà Nguyễn Thị Sương (61 tuổi, ở xóm 2, thôn Long Hòa), ta thán: “Bữa nay nghe đến chuyện được nhận bò từ chương trình chính sách mà phải nộp thêm tiền là các hộ nghèo ở địa phương tui hết ham. Nghèo thì cũng nghèo rồi”.
Để tìm hiểu thêm về thông tin này, PV Báo Bình Định có cuộc trao đổi với ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa. Trái ngược với những phản ánh của người dân, ông Trung cho rằng: Những năm trước đây, định mức hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng theo NQ 30a là không quá 14 triệu đồng/hộ. Mới đây, khi thực hiện theo quyết định mới của UBND tỉnh, chính quyền địa phương lo ngại rằng với số tiền ít hơn, giống vật nuôi sẽ không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên thực hiện chủ trương kêu gọi các đối tượng được thụ hưởng nộp thêm tiền để nâng cao chất lượng. Xã An Hòa là địa phương đầu tiên trong huyện thực hiện việc nộp thêm tiền đối ứng của người dân trong quá trình thực hiện hỗ trợ một lần tiền mua giống bò cái và chủ trương này cũng được UBND huyện An Lão chấp thuận.
“UBND xã An Hòa chỉ là bên trung gian thu nhận tiền giúp cho đơn vị cung ứng giống từ các hộ dân. Tuy nhiên, người dân cho rằng họ không đồng tình với chủ trương trên là không đúng, vì trước khi triển khai, chúng tôi đã phổ biến cho người dân; rồi khi thực hiện, chúng tôi cũng lập hội đồng nghiệm thu nhưng không nghe được lời thắc mắc nào. Năm nay và những năm tiếp theo, UBND xã An Hòa sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này”, ông Trung cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi: Với những hộ nghèo được hưởng chính sách của Nhà nước nhưng chính quyền địa phương lại có “sáng kiến” như vậy thì có gây ảnh hưởng hay khó khăn gì cho những người thụ hưởng không. Ông Trung lý giải: Toàn xã có gần 37% là hộ nghèo nên những trường hợp này thường được hưởng nhiều chương trình cho vay vốn; do đó, khi thực hiện chủ trương này, người dân không gặp khó khăn gì (?)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì các hộ nghèo ở xã An Hòa được nhận chương trình hỗ trợ của Nhà nước về bò giống vừa vui vì được thụ hưởng, nhưng cũng hết sức lo lắng bởi phải đóng một số tiền không ít để được nhận con giống; kéo theo sự khó khăn về kinh tế, nợ nần phải trả... Nhiều người không khỏi băn khoăn vì giá trị thực của con bò cái giống mà họ được nhận, từ cái gọi là “địa phương và người nghèo cùng làm”; bởi không được thẩm định từ cơ quan có chuyên môn theo đúng quy định pháp luật. Thiết nghĩ, UBND huyện An Lão, UBND xã An Hòa nên xem lại chính sách này.
PHÚC LỘC