Mở thêm cánh cửa nghề nghiệp cho người khuyết tật
Từ năm 2008, Cơ sở giày da Hà Phương (tổ 10, khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) thường xuyên nhận dạy nghề miễn phí, mở ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật đang học tập và lưu trú tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm.
Học thêm “ngoại ngữ” vì trò
Cách đây 7 năm, được một hội viên của Hội đồng bảo trợ Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm gợi ý dạy nghề cho người khuyết tật, vợ chồng anh Nguyễn Duy Phương (43 tuổi) - chủ cơ sở giày da Hà Phương - đã trao đổi với Ban giám đốc Trung tâm. Kết quả, nhiều người khuyết tật trẻ tuổi đã được học nghề miễn phí và làm việc tại cơ sở của anh.
Học viên khiếm thính ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm học làm giày da tại cơ sở sản xuất giày da Hà Phương.
Trừ học viên thiểu năng trí tuệ chỉ có thể làm các khâu đơn giản, anh Phương đánh giá cao học trò là người khuyết tật vận động, khiếm thính bởi khả năng tiếp thu, ghi nhớ, sự khéo léo và sức khỏe ổn định. Hai năm trở lại đây, khi phần lớn học viên đều là người khiếm thính, không ít lần anh gặp khó khăn trong việc trao đổi, chỉ dẫn trò. Thế là anh Phương buộc mình học... ngôn ngữ ký hiệu. Và chẳng mấy chốc, “ông thầy” đã nói chuyện bằng tay lưu loát với trò nhờ vào việc tự học và thực hành liên tục với người học nghề.
Khi nghe chúng tôi thắc mắc “vì sao anh phải bỏ nhiều công sức vậy, cứ cầm tay chỉ việc là được mà”, anh Phương cười. Anh bảo: “Việc gì cũng vậy, đã nhận làm là phải làm đến nơi đến chốn. Vượt qua được rào cản ngôn ngữ, các em sẽ gần gũi, tin tưởng mình hơn; việc học nghề vì thế cũng hiệu quả hơn”.
Và cũng vì tư tưởng “đã nhận làm là phải làm đến nơi đến chốn”, anh Phương chọn cách dạy cho các em trọn vẹn các công đoạn sản xuất ra một đôi giày thay vì dạy mỗi em một công đoạn. Có nhiều năm dạy nghề cho các em khuyết tật, anh hiểu mỗi em đều có một hoàn cảnh riêng. Lựa chọn ở lại làm thợ cho anh hay quay về với gia đình hoặc “ra riêng” trong nghề là quyết định của các em. Ở vai trò là người truyền nghề, anh trang bị tất cả các kỹ năng để các em có khả năng tự nuôi sống bản thân và được làm việc như người bình thường.
“Mở lòng” đối với sản phẩm của các em!
Cơ sở sản xuất giày da Hà Phương hiện có 6 người trẻ khiếm thính theo học. Trong thời gian học việc, mỗi học viên được nhận mức hỗ trợ từ 500 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng, tùy vào khả năng của các em. Với bản thân các em và gia đình đây là nguồn động viên rất lớn.
Nguyễn Đại (22 tuổi) - một trong số 6 học viên - hoàn thành chương trình văn hóa chuyên biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm và trở về quê (ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) vào năm ngoái. Tại quê nhà, Đại làm công việc lắp ráp bảng pano quảng cáo. Nhưng vì không thể giao tiếp được với ai, Đại dần rơi vào tình trạng chán nản, ủ ê. Được lời giới thiệu của cô giáo cũ, Đại quay trở lại Bình Định và học nghề tại cơ sở của anh Phương. Học nghề ở nơi có nhiều người đồng cảnh, được giao tiếp, hỗ trợ nhiều khoản, Đại tự tin và vui vẻ hơn. Dù mới chỉ 3 tháng học nghề, Đạt đã nhanh chóng thành thạo nhiều công đoạn, trở thành người hỗ trợ các bạn vào học sau.
Nhận thấy chỉ trong thời gian ngắn nhưng nhiều học trò đã thành thục, sắc sảo, đầy triển vọng, anh Phương trăn trở về hướng xa hơn cho học trò của mình. Ngoài làm công ăn lương ở cơ sở của anh, các học viên này hoàn toàn có thể thực hiện các đơn đặt hàng riêng, đủ khả năng hướng dẫn cho người cùng cảnh ngộ. “Cầm sản phẩm của các em trên tay, khó ai mà nhận biết những đôi giày, dép được tạo ra từ bàn tay của người khiếm khuyết. Điều này đã được chứng minh khi khách hàng của tôi vẫn hết sức hài lòng với các lô hàng có sự tham gia của các em trong thời gian qua. Vấn đề là, hiện chưa nhiều người biết đến các em, chưa nhiều đơn vị mạnh dạn “mở lòng” với các em”, anh Phương chia sẻ.
NGUYỄN MUỘI