Tín hiệu vui cho những vùng đất nhiều... không
Lâu nay, trên “cổng trời” Canh Liên, huyện Vân Canh có 4 ngôi làng lắm... không - không điện, không đường và cả không sóng điện thoại. Nhưng nay niềm vui và hy vọng đang được nhen nhóm khi nơi đây đang triển khai các dự án mở đường và khảo sát đưa điện lưới quốc gia đến với bà con.
Ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, lại nằm sâu trong những cánh rừng già, 359 hộ dân (với khoảng 1.300 nhân khẩu) ở các làng nhiều… không, bao gồm: làng Canh Tiến, làng Kà Bông, làng Cát và làng Chồm đều đang sống trong cảnh thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Trên 75% hộ dân ở đây là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp...
“Làng chờ ” nơi “cổng trời”
Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi về với những vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ở nơi được mệnh danh là “cổng trời”. Từ các làng Hà Giao, Kon Lót, chúng tôi bắt đầu luồn sâu vào những con đường hun hút, vắng hoe người qua lại, hướng về phía làng Chồm, làng Cát, làng Canh Tiến. “Làm khó” cuộc hành trình của chúng tôi là vô số đá, sỏi và cả đèo dốc cao, trơn trợt. Phải mất gần một giờ đồng hồ vượt đoạn đường 11km, chúng tôi đến làng Chồm.
Nằm giữa rừng, làng Chồm yên ắng, tĩnh lặng. Bất giác, chúng tôi có cảm giác, tiếng nổ phát ra từ xe máy của mình trở nên quá ồn ào với nơi này. Bên khung cửa nhà sàn, một vài người dân đưa mắt nhìn chăm chú những vị khách lạ. Bà Đinh Thị Bích Liên (59 tuổi) lý giải: “Ngày thường, ngoài thầy cô giáo, chẳng có mấy người ghé làng. Vậy nên, thấy người lạ đến, bà con tò mò vậy thôi”.
Theo lời bà Liên, người lớn tuổi ở làng muốn về xã đều phải nhờ con cháu chở đi hoặc đi bộ. Nếu đi bộ, họ phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ - tất nhiên, ấy là chuyện của mùa nắng. Vào mùa mưa, chẳng ai muốn lội sình, nếu đó không phải là việc hệ trọng. Không chỉ ở làng Chồm, người dân làng Cát, Canh Tiến cũng chịu cảnh khó khăn tương tự. Cô giáo Đinh Thị Hép (24 tuổi, ở làng Hà Giao), được phân công phụ trách lớp mầm non làng Cát khóa 2014 - 2015 vẫn chưa thể quên hình ảnh mình cùng đồng nghiệp vượt qua sình lầy để đến trường với học trò: “5 giờ 30 phút xuất phát, nhưng phải đến tận 7 giờ 30 phút, chúng tôi mới tới được trường trong bộ dạng dính đầy bùn đất”, cô Hép kể.
“Mong ước trước hết của người dân các làng còn lại là có đường bê tông để việc đi gieo con chữ của các thầy, cô giáo bớt cực, để lúc đau ốm nặng có thể đưa người bệnh đến trạm y tế bằng xe máy thay vì khiêng đi. Một con đường đẹp đẽ từ xã về làng Kà Nâu, Kà Bưng, vẫn đang chờ đợi...”, ông Đinh Văn Num (63 tuổi, làng Chồm) hướng mắt về con đường đất đỏ lẩn khuất giữa rừng xanh, tâm sự.
Bởi chưa có những con đường bê tông vượt núi, vượt rừng để “nối gần” 4 làng với xã, nên người dân phải mất từ vài giờ đồng hồ đến cả buổi để đi bộ theo lối mòn giữa rừng hoặc đường đất do công ty trồng và khai thác rừng nguyên liệu giấy tạo thành. Chủ tịch UBND xã Canh Liên Đinh Văn Diễn cho biết, khó khăn về đường đi ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước của địa phương. Công văn, thông báo, giấy mời công vụ... bao giờ cũng đến tay người nhận chậm muộn hơn so với nơi khác.
“Khát” điện lưới, “khát” cả sóng điện thoại
Đến nay, các làng Hà Giao, Kon Lót, Kà Nâu, Kà Bưng đều đã có điện lưới quốc gia. Đồng bào 4 làng còn lại săm soi niềm vui của làng bạn rồi không khỏi buồn cho mình. Máy nổ phát điện và dầu diesel đều không đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Một “nghịch cảnh” thường thấy ở các làng là: máy nổ hoạt động được thì lại hết dầu hoặc có dầu, máy nổ lại không hoạt động.
Lý giải về điều này, ông Đinh Văn Diễn nói: “Nhờ vào chính sách giao đất trồng rừng, đời sống của bà con có phần khấm khá hơn. Từ đây, họ sắm sửa nhiều trang thiết bị phục vụ cho đời sống tinh thần của gia đình. Nhiều nhà đã có tivi, dàn karaoke... Vậy nên, trong 3 giờ đồng hồ có điện, mạnh nhà nào nhà nấy đều sử dụng các thiết bị điện hết công suất. Kết quả, hoặc là thiếu dầu để chạy máy nổ; hoặc là máy nổ bị hư do “tuổi cao” mà phải hoạt động hết công suất”.
Nằm cách làng có điện lưới quốc gia (làng Kà Bưng) chỉ 3km, làng Kà Bông tịch mịch, tù mù lúc đêm về. Việc máy nổ phát điện của làng bị “trùm mền” đã 3 tháng qua làm ngôi làng đìu hiu hơn bao giờ hết. Không có điện, trẻ con “bỏ quên” chuyện học bài vào buổi tối, người làng “vào giấc” khi mới đầu hôm. Trong nhà, chỉ mỗi ánh đèn pin, ánh lửa bập bùng là sinh động, thu hút nhất.
Trưởng làng Kà Bông Đinh Văn Đoàn tâm sự: “Cả làng đã có 30/86 hộ mua được tivi. Bà con nào cũng nhận thức được ánh sáng điện có ý nghĩa như thế nào nên buồn lắm khi nhìn thấy tivi im ru mấy tháng qua. Chúng tôi đã kiến nghị lên xã để hỗ trợ làng sửa chữa, bảo dưỡng máy phát điện nhưng vẫn chưa có kinh phí. Làng chìm trong bóng tối khi đêm về như thế này, buồn lắm!”.
Để giải cơn “khát” điện cho bà con tại 4 làng, đầu năm 2015, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình một đèn led mini chạy bằng pin. Mặt khác, người dân sở tại cũng chủ động tìm cho riêng mình. Làng Chồm, làng Cát đều có hộ tự sắm được máy phát điện, song chạy được một thời gian cũng không chịu nổi tiền dầu nên chỉ phát điện trong trường hợp cần thiết. Nhiều hộ khác chọn mua bình ắc quy để tạo ra điện. Thỉnh thoảng để tạo ra không khí nhộn nhịp cho làng, nhiều thanh niên kết nối thiết bị loa di động với bình xe máy để phát nhạc.... Đây đều được xem là phương án dùng “cái tạm” để lấp “cái không”, về lâu dài đều không thể thay thế được nguồn điện thực thụ.
Bao năm nay, sóng điện thoại vẫn là điều gì đó xa xỉ với người dân ở 4 làng. Ở điểm trường thuộc làng Kà Bông, đưa mắt về phía ngọn đồi xa xa là có thể nhìn thấy trạm thu phát sóng điện thoại. Ở đây, người ta sắm điện thoại để đến các làng khác hoặc trung tâm xã - nơi có sóng - để liên lạc. Phụ huynh muốn liên lạc với con đang học xa nhà, đều phải tranh thủ gọi điện thoại khi đi ngang qua vùng có sóng. Giáo viên muốn biết thông báo của ban giám hiệu đều phải tranh thủ ghé qua bảng thông báo ở điểm trường chính mỗi chiều chạy về nhà. Lãnh đạo xã muốn liên lạc với người uy tín của làng phải nhờ người đưa tin...
Nghe reo vui trong tiếng máy ủi ầm ào
3 tháng nay, thung lung sâu thẳm dẫn về làng Chồm bỗng trở nên rộn vang bởi âm thanh của máy ủi, máy đào đang ngày đêm “mở đường”. Đường từ dốc Nhớt làng Kon Lót đến giáp đường bê tông xi măng giai đoạn 2 dốc Chăm Chi (chiều dài 1.790m; tổng kinh phí đầu tư khoảng 8,3 tỉ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 30a) và đoạn từ dốc Chăm Chi đến làng Chồm (dài 1,2km với kinh phí khoảng 6,8 tỉ đồng, vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a) đã được triển khai. Dẫu con đường mới dừng lại ở tiến độ thi công hạ nền đường nhưng đây là một “dấu mốc” khởi đầu cho ước vọng vươn mình của bà con đồng bào Bana nơi đây.
Có mặt ở tuyến đường đầy khó khăn này, cán bộ, công nhân của các đơn vị thi công mới hiểu hết nỗi khó khăn mà đồng bào địa phương đang trải qua. Anh Hoàng Mạnh, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Xây dựng Đống Đa (TP Quy Nhơn) - đơn vị thi công tuyến đường dài 1.790m dẫn về làng Chồm - cho biết: “Với mong muốn bà con sớm có đường đi, bớt vất vả, anh em trong đơn vị hạ quyết tâm phải hoàn thành xong công tác hạ nền toàn bộ tuyến đường trước mùa mưa lũ. Sau khi công tác hạ nền hoàn thành, nếu trời nắng ráo chúng tôi tiến hành đổ bê tông luôn, hy vọng nâng cao đời sống bà con”.
Đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối 4 làng còn lại lên hàng đầu, huyện Vân Canh đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư. Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Trần Hữu Biên trăn trở: “Do địa hình phức tạp, bình quân mỗi cây số đường ở vùng cao này đòi hỏi mức đầu tư khoảng 10 tỉ đồng. Vì nguồn lực đầu tư quá lớn, địa phương không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn. Khâu xây dựng chấp nhận làm theo kiểu cuốn chiếu, đoạn nào khó thì làm trước”.
Năm qua, huyện đầu tư xây dựng tuyến đường từ Trung tâm xã về đến làng Kà Bưng dài hơn 8km theo hình thức đúc bê tông xi măng với tổng kinh phí 37 tỉ đồng; trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ 27 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện Vân Canh đã lập dự toán trình Trung ương xin hỗ trợ xây dựng thêm tuyến đường từ làng Chồm về làng Canh Tiến với tổng chiều dài 10,3 km; mức kinh phí dự trù khoảng 87 tỉ đồng.
Thêm tin vui cho người dân ở làng Chồm, làng Cát, làng Kà Bông và làng Canh Tiến, tháng 4.2015, một đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc Điện lực Đà Nẵng đến đây để tiến hành khảo sát, lập kế hoạch đầu tư lưới điện quốc gia. “Dù chỉ mới nghe nhưng tôi thấy phấn chấn hẳn. Vui lắm! Nếu mọi điều kiện tiến triển tốt, trong năm 2016, hệ thống điện lưới quốc gia sẽ được kéo về nơi đây”, ông Trần Hữu Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh vui mừng thông tin.
NGUYỄN MUỘI - TRỌNG LỢI