Lễ hội Đô thị Nước Mặn:
Phục dựng lễ rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục
Diễn ra từ 11-13.3, Lễ hội Đô thị Nước Mặn là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu của Bình Định. Năm nay, Lễ hội được tổ chức bài bản, với việc phục dựng lễ rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục, tôn vinh các nghề quan trọng của cha ông.
Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn từ thời Cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh. Lễ hội này trở thành một biểu tượng văn hóa thể hiện sự hài hòa, giao thoa văn hóa giữa các thương nhân, tộc người và các quốc gia đến giao thương, buôn bán. Theo thời gian, Lễ hội Đô thị Nước Mặn có nhiều thay đổi, một số nghi thức và trò chơi dân gian cũng mai một.
Một lễ hội dân gian truyền thống
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Năm nay, Lễ hội được tổ chức quy mô và bài bản hơn. Ngoài các nghi thức lễ tế truyền thống được tiến hành như mọi năm, điểm nhấn của Lễ hội là việc phục dựng nghi thức rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể thao như hội đánh bài chòi cổ, trò chơi dân gian, hát bội, múa lân, võ cổ truyền… cũng góp phần làm cho Lễ hội thêm rộn ràng”.
Chiều 11.3, đông đảo người dân và du khách đã có mặt ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, háo hức chờ xem Lễ nghinh thần - rước sắc và rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục. Từ Chùa Bà, đoàn rước xuất phát với dàn nhạc, múa lân đi trước; đoàn người cầm cờ, lọng, rước kiệu gồm một kiệu đi đầu của thánh thần và 4 kiệu đi sau gắn liền với các biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục. Cùng với đó là đoàn rước lễ vật trong trang phục tượng trưng cho các dân tộc từng sinh sống ở đô thị Nước Mặn ngày xưa. Đoàn rước lần lượt qua các ngã đường đến chùa Ông, miếu Bà Hỏa, miếu Thành Hoàng, miếu Ông Hổ, tạo cho Lễ hội vẻ đẹp sinh động của sắc màu văn hóa truyền thống.
Cụ Huỳnh Thái Sơn, 72 tuổi, Chánh bái và là thành viên Ban quản lý di tích Chùa Bà, chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã nghe ông nội kể về nghi thức rước biểu trưng Ngư - Tiều- Canh - Mục (người đốn cây rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc), để tưởng nhớ và suy tôn công lao khai sáng của cha ông, biến vùng đầm lầy trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Nhưng, phải đến lần này tôi mới được xem nghi thức truyền thống đã mai một từ rất lâu”.
Bảo tồn và phát huy
Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã được Sở VH-TT&DL chọn để triển khai Dự án văn hóa phi vật thể năm 2013. Sản phẩm của Dự án Lễ hội Đô thị Nước Mặn sau khi hoàn thành sẽ gồm: báo cáo khoa học với nội dung xung quanh việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Lễ hội; chương trình phim tư liệu về lễ hội; tập ảnh khảo tả; chương trình ghi âm phỏng vấn các nghệ nhân, các hoạt động văn hóa trong lễ hội.
Để thực hiện hiệu quả Dự án, những người tham gia đã nghiên cứu nhiều tư liệu, xây dựng đề cương khoa học, khảo sát điền dã, điều tra cơ bản. Những ngày qua, các cán bộ của Sở VH-TT&DL theo sát các hoạt động của Lễ hội Đô thị Nước Mặn để tiến hành việc ghi chép, ghi hình, quay phim… Thời gian tới, các hoạt động điền dã, sưu tầm, ghi chép tư liệu chuyên sâu vẫn tiếp tục được thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VH-TT&DL, Phó Chủ nhiệm Dự án, cho biết: “Dự án được thực hiện nhằm góp phần gìn giữ, lưu truyền giá trị văn hóa cổ truyền, giá trị lịch sử đô thị cổ Nước Mặn được tích tụ và biểu đạt qua nghi thức tế lễ nói chung, những ứng xử xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng cổ truyền, từ những nét sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt là lưu giữ, phát huy nghệ thuật trình diễn nghi trình lễ, hoạt động hội, trò chơi dân gian, những nét di sản văn hóa đặc sắc của làng xã Bình Định cần được trân trọng, phát huy”.
Dự kiến, đến tháng 11.2013, Ban Chủ nhiệm Dự án sẽ hoàn chỉnh và nghiệm thu các sản phẩm để gửi Bộ VH-TT&DL nạp dữ liệu vào Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Các sản phẩm này cũng được lưu trữ tại Sở VH-TT&DL.
· {C}HOÀI THU