Tuyến đê Huỳnh Giản xuống cấp: Người dân nơm nớp âu lo trước mùa mưa lũ
Cứ vào mùa mưa lũ, hơn 500 hộ dân sinh sống ở 2 thôn Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) lại nơm nớp lo âu vì tuyến đê Huỳnh Giản bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ông Phan Trần Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, trước đây, đê Huỳnh Giản do nhân dân địa phương tự đắp để thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do được đắp thủ công, kỹ thuật lạc hậu nên đã bị xuống cấp theo thời gian, không phát huy được tác dụng. Bên cạnh đó, nhiều công trình nằm trên hệ thống đê như cống Ông Dân, Huỳnh Đông, Huỳnh Nam và tràn Cấm Đình đã bị hư hỏng hoàn toàn. Hệ quả, nước ngọt đổ về nhiều khiến khu vực thả nuôi thủy sản không đảm bảo nồng độ mặn, thủy sản bị nhiễm bệnh, chậm lớn, chết non. “Trong vụ nuôi năm 2015, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đều bị mất mùa, nợ nần chồng chất, mất khả năng tái sản xuất”, ông Phú cho biết.
Tuyến đê Huỳnh Giản bị xâm thực, hư hỏng khiến nước ngọt đổ về nhiều làm nước lợ tại khu vực thả nuôi thủy sản không đảm bảo nồng độ mặn, dẫn đến tình trạng tôm, cua, cá bị nhiễm bệnh, chậm lớn, chết non ngày một nhiều.
Tình trạng đê Huỳnh Giản bị sạt lở, hư hỏng nặng khiến hàng ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam rất lo lắng. Đáng chú ý, do cao trình mặt đê thấp, nhiều đoạn bị xâm thực nên khi có mưa lớn, nước sông tràn qua đê, chảy trực tiếp vào khu dân cư, gây ra hiện tượng sa bồi, thủy phá. Đơn cử như đợt lũ năm 2013, nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng cục bộ cho toàn khu vực, hàng chục hộ dân sống gần khu vực đê bị cô lập trong nước nhiều ngày, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
“Hàng năm, địa phương đều tiến hành gia cố tuyến đê bằng cách đắp đất, đóng trụ, bỏ bao cát xuống để gia cố chân đê. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời chống xói lở khi lượng mưa và nguồn nước không lớn”.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa
Đại diện UBND xã Phước Hòa cho biết, đến nay, hầu hết tuyến đê đã bị hư hỏng. Cả tuyến có trên vài chục điểm bị vỡ đứt với tổng chiều dài hơn 2km. Chính quyền địa phương đã vận động người dân gia cố tạm để tiện việc sản xuất. Chính quyền xã và người dân đang mong chờ các ngành chức năng quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đê, bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ.
Về việc này, ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão (thuộc Sở NN&PTNT), cho biết: Việc gia cố tuyến đê Huỳnh Giản là cần thiết, tuy nhiên nguồn kinh phí chưa có nên đành phải chờ. Thời gian tới nếu có nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, các đoạn đê xung yếu, có nguy cơ vỡ cao sẽ được quan tâm đầu tư gia cố trước. Trước mắt, Chi cục yêu cầu UBND huyện Tuy Phước và chính quyền sở tại có biện pháp cảnh báo, gia cố tạm trước mùa mưa, lũ năm 2015 để phòng, tránh hiện tượng sạt lở, thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân.
NHÃ LÂM