Triển lãm Mỹ thuật Bình Định - 2015: Đôi điều ghi nhận
Triển lãm Mỹ thuật Bình Định - 2015 vừa khai mạc sáng 6.9 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, giới thiệu 70 tác phẩm được tuyển chọn từ 40 tác giả (chủ yếu là trong tỉnh). Qua các tác phẩm trưng bày, cho thấy sự phát triển của đội ngũ họa sĩ, điêu khắc tỉnh nhà và những tìm tòi trong sáng tạo mỹ thuật.
Đa dạng đề tài, phong cách thể hiện
Nhiều tác phẩm của các họa sĩ là hội viên Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Định đã gây ấn tượng với người xem từ sự đa dạng về đề tài, phong cách thể hiện. Họa sĩ Lê Duy Hồng với những tác phẩm tranh in độc bản Rừng đỏ, Huyền thoại Tây Nguyên thể hiện được dấu ấn sáng tạo riêng. Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền với tranh sơn dầu Dấu ấn Tây Nguyên, Trầm tích, Vượt lên nỗi đau, cho thấy góc nhìn sáng tạo về bản sắc văn hóa truyền thống, những “nỗi đau da cam” mà trẻ em phải gánh chịu. Họa sĩ Lê Kỳ tạo sự lôi cuốn người xem qua tác phẩm Vui đón mưa với sự mong chờ của những người nông dân như đang “nóng đỏ” vì khô hạn. Họa sĩ Lê Duy Khanh tạo được nét riêng, sinh động cho những tác phẩm tranh in màu Quyết tâm bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương, Thế hệ trẻ Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Các tác phẩm hội họa, điêu khắc trong Triển lãm đã thu hút nhiều người xem.
Triển lãm có sự tham gia của các nghệ sĩ tạo hình là người Bình Định hoặc từng sống và làm việc ở Bình Định đang rất thành danh ở cấp quốc gia. Tác phẩm Điệu mộc luân vũ của họa sĩ Trần Văn Quân (TP Hồ Chí Minh) gây ấn tượng khi thể hiện sinh động một cây cổ thụ đang “múa” trong bản giao hưởng của đất trời…. bằng chất liệu Gum print (thủ pháp đồ họa phát triển từ công nghệ in lụa). Họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Huế) đem đến các tranh sơn dầu thuộc trường phái trừu tượng gửi gắm nỗi nhớ quê hương. “Triển lãm có nhiều tác phẩm đa dạng và có chất lượng, thể hiện được sự phát triển của mỹ thuật tỉnh nhà. Tôi là người gốc Bình Định nên khi trở về tham gia triển lãm, đã chia sẻ cùng mọi người tác phẩm Nhớ cố hương thể hiện về tháp Chăm quê nhà nhưng không nguyên vẹn mà cắt khúc như nỗi nhớ nhiều cung bậc, tầng nấc… Bức tranh Lòng trần còn nhiều tơ vương được gợi mở từ ký ức hồi nhỏ ở quê, tôi có thời gian sống ở chùa”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu chia sẻ.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, thành viên Hội đồng nghệ thuật Triển lãm, nhận xét: “Những gương mặt trẻ đạt giải đã phần nào thể hiện được sự vững vàng, chững chạc trong tay nghề, có ngôn ngữ sáng tạo riêng. Lực lượng này là “vốn quý” cần được các chi hội mỹ thuật ở Bình Định tiếp tục quan tâm dìu dắt, nâng đỡ để các em có những bước tiến vững chắc”.
Triển lãm thêm sinh động, lôi cuốn qua việc trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc. Nổi bật là các tác phẩm Ký ức trong niềm bao bọc 2 (chất liệu sắt, gỗ); Tương tác (sắt, đá); Chim (sắt, gốm) của nhà điêu khắc trẻ Lê Trọng Nghĩa lấy cảm hứng từ những hình ảnh gần gũi, thân thuộc nơi làng quê như tổ chim dồng dộc, giếng làng…, khiến người xem hồi tưởng, kết nối suy ngẫm giữa quá khứ và hiện tại. Lứa nghệ sĩ tạo hình trẻ đầy triển vọng giới thiệu những tác phẩm điêu khắc trên nhiều chất liệu, như Giang Minh Hoàng với tác phẩm Tình yêu 4 (gỗ, plastic) và Tình yêu 6 (nhựa), Nguyễn Thế Trường với tác phẩm Vũ khúc dân tộc (điêu khắc gỗ) và Tuổi xuân thì (đá)…
Xuất hiện những gương mặt trẻ
Triển lãm đã thêm ý nghĩa khi tuyển chọn trao Giải thưởng Mỹ thuật trẻ triển vọng cho 6 họa sĩ, nhà điêu khắc dưới 35 tuổi: Nguyễn Xuân Trường giải Nhất với tác phẩm Vũ khúc dân tộc (điêu khắc gỗ); tác phẩm Thôn nữ (sơn mài) của Võ Thái Nhân giải Nhì; Ranh giới (sơn dầu) của Nguyễn Thanh Phước giải Ba. Các tác phẩm Tuổi thơ (sơn mài) của Phan Khắc Bảo Hoa, Góc phố (dán giấy) của Nguyễn Thị Cẩm Thế; Vườn ươm (sơn dầu) của Nguyễn Thị Cẩm Vân cùng đạt giải Khuyến khích. Ngoài ra, còn có 4 tác giả trẻ khác có được tác phẩm dự treo tại triển lãm.
Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, đánh giá: “Triển lãm có sự “rực rỡ” từ các họa sĩ, nhà điêu khắc đã thành danh; sự định hình phong cách với các nghệ sĩ tạo hình là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, lẫn sự táo bạo, hiện đại, tung tẩy với những ý tưởng tìm tòi sáng tạo mới lạ pha trộn sự mãnh liệt của các nghệ sĩ tạo hình trẻ. Nhiều tác phẩm phản ánh chân thực những vấn đề nhức nhối từ cuộc sống, mang tính thời sự và nhân bản”.
Anh Võ Thái Nhân (33 tuổi), giáo viên mỹ thuật Trường THCS Mỹ Chánh ở huyện Phù Mỹ, tâm sự: “Đam mê hội họa từ thời còn là sinh viên Trường Cao đẳng Bình Định, đến khi theo học liên thông Đại học Mỹ thuật Huế, tôi có thêm kiến thức, kỹ năng để lựa chọn chất liệu sơn mài cho các bức tranh của mình. Lần đầu tiên đạt giải thưởng đã tạo thêm nguồn năng lượng cho tôi trên hành trình tiếp tục học hỏi, tìm tòi sáng tạo nghệ thuật phía trước”.
So với một số tỉnh, thành khác, lực lượng trẻ sáng tác mỹ thuật hiện nay ở Bình Định chưa nhiều. Vì vậy, những gương mặt đạt Giải thưởng Mỹ thuật trẻ triển vọng cần tiếp tục được quan tâm bồi dưỡng thêm.
Triển lãm đã thu hút được nhiều người xem, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân. Trong đó, có nhiều người trẻ là sinh viên, học sinh các trường trên địa bàn TP Quy Nhơn. Lê Thị Miên, sinh viên ngành Giáo dục tiểu học Trường Cao đẳng Bình Định, bộc bạch: “Xem triển lãm mới biết được nhiều chất liệu, phong cách thể hiện tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc. Thấy thích và học hỏi được phần nào về cách khai thác đề tài, bố cục, màu sắc trong nhiều bức tranh”.
Hoài Thu