Án giao thông: Nên xử nặng hay nhẹ?
Mới đây, TAND huyện Tây Sơn đã mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án hình sự Hồ Quốc Thắng (SN 1990, ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Theo cáo trạng, khoảng 13h30 phút ngày 27.3.2015, tại QL 19 đoạn qua thôn 2, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Thắng điều khiển ô tô tải BKS 81C - 072.66 do thiếu quan sát, vượt xe không đảm bảo an toàn đã tông vào xe máy BKS 61R2 - 3563 do anh Vương Hùng Cường (SN 1973) đang chạy phía trước cùng chiều, làm anh Cường chết tại chỗ. Đã vậy, khi biết ô tô do mình điều khiển gây tai nạn, Thắng còn cố tình cho xe chạy khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm.
Ban ATGT tỉnh thăm gia đình có hai người thân bị xe tải rờ mooc tông chết tại xã Cát Tân, huyện Phù Cát.
Sau khi xem xét, cân nhắc hành vi Thắng gây ra, Hội đồng xét xử TAND huyện Tây Sơn đã tuyên phạt Thắng 3 năm tù giam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bản án sơ thẩm, không biết lên đến phúc thẩm (bản án có hiệu lực pháp luật) thì mức phạt này sẽ bị giữ nguyên hay thay đổi theo hướng nặng hơn hay nhẹ hơn?
Lâu nay vẫn có hai luồng suy nghĩ về án giao thông nên xử nặng để răn đe hay nhẹ tay bởi TNGT là chuyện bất khả kháng, phần xui rủi là của cả hai phía, nhất là khi phía bị hại được bồi thường và đồng ý bãi nại cho bị cáo. Một cán bộ trong ngành kiểm sát cũng nhận xét có thực trạng cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng các tình tiết giảm nhẹ để xử án giao thông nhẹ; hoặc tuy giữ nguyên mức án phạt tù nhưng chuyển án giam thành án treo. Việc này, vô hình chung đã làm mất tính răn đe, coi thường luật pháp với kẻ chạy ẩu, lấn tuyến, thậm chí tạo nên tâm lý “cứ bỏ tiền ra là xong” của kẻ gây ra tai nạn chết người.
Theo thống kê của tỉnh, từ năm 2012 đến năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp trong tỉnh đã ra quyết định khởi tố 224 vụ án TNGT với 226 bị can; trong đó chuyển Cơ quan điều tra quân đội 1 vụ/1 bị can, chuyển Viện KSND đề nghị truy tố 185 vụ/185 bị can; các vụ còn lại đang điều tra. Đáng chú ý, có 203 vụ được ra quyết định không khởi tố.
Tháng 8.2015, Đoàn kiểm tra Trung ương đã về làm việc với Tỉnh ủy Bình Định thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Trong buổi làm việc, Trung tướng Tô Thường, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Trưởng đoàn công tác cũng đã nêu lên thực trạng chung án giao thông còn xử nhẹ tay, nhất là đối với đối tượng gây TNGT là “người nhà, con em chúng ta cả”, vì vậy đã không đủ sức răn đe, giáo dục. Do đó, ông đề nghị tỉnh cần kiên quyết hơn trong việc xử lý đối với các đối tượng vi phạm pháp luật về điều khiển phương tiện giao thông. Có làm “mạnh tay”, nghiêm khắc hơn mới đủ sức răn đe những người khác.
Đành rằng TNGT là chuyện xui rủi, trong một số trường hợp là bất khả kháng, tuy nhiên cũng không thể vì thế mà nương nhẹ cho những kẻ cố tình vi phạm pháp luật bằng cách chạy ẩu, lấn đường, coi thường tính mạng của người khác. Một người thiệt mạng hay thương tật suốt đời vì TNGT thì hậu quả để lại không chỉ là mất một mạng người, mà kéo theo đó là cho cả một gia đình và gánh nặng cho xã hội.
ANH THƯ