Thận trọng khi sử dụng dược liệu dân gian
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất hiện nhiều thông tin về các loại thực vật có tác dụng chữa bệnh. Ở Khánh Hòa, người dân đua nhau đào xáo tam phân; còn Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng lên cơn sốt cà gai leo. Ở tỉnh ta, tuy không đến mức rầm rộ, nhưng nhiều loại dược liệu dân gian cũng đang được người dân sử dụng rộng rãi khi chưa có đủ kiến thức cần thiết.
2 năm trước, ở nhiều địa phương trong tỉnh rộ lên “phong trào” dùng mật nhân chữa bệnh. Với “định danh” cây bách bệnh, mật nhân được lùng tìm ở các vùng miền núi. Rễ, thân mật nhân được rao bán ở khắp nông thôn, thành thị. Ở TP Quy Nhơn, từng có nhiều người chở mật nhân đi bán dạo. Khi cơn sốt mật nhân dần hạ nhiệt, đến lượt cây chó đẻ, rồi cà gai leo lên giá.
Vô tư dùng
Cà gai leo có tên khoa học là Solanum hainanense Hance Solanaceae, thuộc họ cà. Cây họ cà rất phong phú vì có rất nhiều loài, trong đó có cây cà độc dược chứa độc tố. Ở tỉnh ta từng có người tử vong vì dùng nhầm cà độc dược.
Nghe nhiều người nói cà gai leo chữa được bệnh gan, bà Trần Thị C. (ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) cũng lùng sục trong vườn nhà để tìm về nấu nước cho con trai uống. Được hai hôm, khu vườn rộng gần 1.000m2 đã sạch bóng dáng cà gai leo, bà lần sang vườn nhà hàng xóm. Sau đó, bà phải sang tận các xã khác để tìm hái. “Ngày càng có nhiều người dùng, nên không dễ tìm được cà gai leo như trước”, bà C. cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ tìm hái để sử dụng, nhiều người dân ở các xã phía Bắc huyện Hoài Nhơn còn đào, hái cà gai leo để bán. Nhiều người còn làm đại lý mua tại chỗ. Xe tải của dân buôn đi đến tận thôn xóm thu mua. Giá cà gai leo tươi (cả thân, lá, quả, rễ) khoảng 5.000-7.000 đồng/kg; nhưng lúc cao điểm lên đến 10.000 đồng/kg.
Do nhu cầu sử dụng ngày càng cao, nên giá cà gai leo không ngừng tăng lên. Tại TP Quy Nhơn, giá cà gai leo khô hiện nay là 80.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 9.2012.
Tại các xã ven biển của huyện Phù Mỹ, người dân cũng dùng khá nhiều loại cây cỏ để chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh mãn tính. Đang cắt rau trai ở ven bờ ruộng về trị bệnh đái tháo đường cho chồng, bà Võ Thị Yên, ở thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng, cho biết: “Dân quê bây giờ ho, cảm gì cũng chỉ dùng cây cỏ để trị, chứ ít uống thuốc Tây nữa. Nhiều người dùng lắm, dây tơ hồng, dây kiềm thảo thì nấu nước uống cho mát; trị bệnh dạ dày có cây mai gai; bệnh thận thì dùng cây trinh nữ… Nhất là cây chó đẻ trị bệnh gan, giờ khó tìm lắm!”.
Cẩn trọng khi sử dụng
Đề tài “Khảo sát tác dụng giảm men gan trên bệnh nhân điều trị bằng cà gai leo” do Thạc sĩ Đoàn Đăng Việt (Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định) làm chủ nhiệm đề tài, đã khảo sát 30 bệnh nhân có chỉ số men gan cao gấp đôi ngưỡng bình thường (ngưỡng bình thường là 37U/l). Các bệnh nhân được sử dụng nước cà gai leo với liều lượng 100g/ngày (nấu cùng 1-1,5 lít nước). Sau 20 ngày, chỉ số men gan ở 29/30 bệnh nhân trở lại mức bình thường. Bệnh nhân còn lại làm việc tại một điểm bán thuốc trừ sâu.
Có một thực tế đáng báo động là việc sử dụng các dược liệu dân gian của người dân đa phần mang tính tự phát. Cách chế biến, liều lượng sử dụng hầu như không theo một nguyên tắc nào. Hiểu biết về thành phần hoạt chất, tác dụng phụ của các loại dược liệu cũng rất hạn chế. “Hoạt chất trong các loại thuốc nam ít nhiều phụ thuộc vào thời điểm thu hái. Thuốc hái buổi sáng khác buổi chiều, mùa xuân khác mùa thu, nên không thể tùy tiện được”, y sĩ Nguyễn Vũ Văn, phụ trách Đông dược của BVĐK tỉnh, nhấn mạnh.
Theo Lương y Nguyễn Nguyên Việt, Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định, để sử dụng có hiệu quả các loại thuốc nam, người bệnh phải khám tại các cơ sở y tế để nắm cụ thể tình hình bệnh của mình. Nếu người bệnh có nhu cầu dùng thuốc nam, các bác sĩ sẽ hướng dẫn loại thuốc cần dùng với cách chế biến, liều lượng hợp lý.
Còn bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Đông y, BVĐK tỉnh, lưu ý: “Để sử dụng thuốc nam hiệu quả cần phải có tư vấn của các nhà chuyên môn. Bệnh nhân nên dùng các sản phẩm được nghiên cứu bởi các nhà khoa học và được chuyển giao công nghệ sản xuất cho các công ty dược phẩm có thương hiệu uy tín, nguồn gốc rõ ràng, không nên tự ý dùng”.
· NGUYỄN VĂN TRANG