Mỹ Thành: Thời hậu... khai thác titan
Cơn sốt khai thác titan đã hạ nhiệt từ 2 năm nay, tuy nhiên, hậu của nó thì vẫn còn đó, thể hiện qua những hố sâu hàng chục mét với bề rộng gấp vài ba lần; mạch nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn và kiệt hẳn. Chuyện đang xảy ra tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Dai dẳng hậu titan
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Thôn phó thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ xăm xăm dẫn chúng tôi tiến về phía trước ở khu vực giáp ranh giữa hai thôn Hưng Lạc với Hòa Hội Nam. Đưa tay chỉ quanh những trảng cát chưa được san gạt, nhấp nhô lồi lõm khắp nơi, ông Hiệp chua xót: “Vùng này trong chiến tranh là nơi che chắn đạn bom cho lực lượng kháng chiến. Sau giải phóng, những cánh rừng dương chắn gió vẫn còn xanh tốt ngút ngàn. Mọi thứ chỉ bị xới tung lên khi xuất hiện doanh nghiệp (DN) khai thác titan. Hết titan rồi họ đi biệt dạng”.
Trước mắt chúng tôi, những trảng cát trắng chằng chịt hào ngang rãnh dọc, hầm hố nhấp nhô lồi lõm sâu cả hàng chục mét chạy tận ra tới bờ biển. Ông Hiệp đứng ngay sát mép một hố cát sâu, lắc đầu: “Nay mai, mưa vài trận nước đầy hố, chết người như chơi. Chỉ sợ có mấy đứa nhỏ đi chăn bò nghịch dại leo xuống đó hoặc sảy chân thì chẳng biết đường nào”. Cái dáng “thấp bé nhẹ cân” của ông như muốn ngả nghiêng lao xuống lòng cái hố rộng rinh, sâu hoắm.
Vào thời vàng son của khai thác titan, xã Mỹ Thành là đại công trường với 16 DN khai thác tại đây. Nay, titan xuất không được, DN thoái lui, nơi này sót lại chỉ dây chuyền tuyển quặng rutin đang hoạt động, nhưng hậu quả thì vẫn còn dài. Không phải là ở chuyện DN khai thác titan xong không hoàn thổ, trồng rừng theo đúng cam kết, mà còn ở việc nguồn nước ngầm đã bị ảnh hưởng, cạn kiệt.
Bà Lê Thị Thắm, 53 tuổi ở xóm Hưng Hội, thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành dắt chúng tôi ra xem giếng nước phía tây vườn nhà bỏ không từ mấy năm nay. Dưới lòng giếng là lổn nhổn đất đá, lá khô, cành cây mục nát. Bà Thắm cho biết: “Giếng đào 12 năm nay rồi, trước dùng vẫn tốt nhưng từ khi người ta khai thác titan giếng bắt đầu nhiễm mặn, nhiễm phèn. 5 năm nay thì đứt tiệt. Trơ đáy!”. Nhà 6 người lớn bé không thể không có nước dùng, gia đình bà đành sang nhà hàng xóm đối diện nhờ xin đào giếng khoan phía bên đó rồi dẫn nước về nhà mình. Dẫu là nước phèn, nước mặn có còn hơn không, vậy nhưng vẫn lắm nhiêu khê. Bà Thắm phải xây thêm một bể lắng, lọc 3 ngăn, dung tích chừng hơn 1m3 xây áp sát vách bếp mới ra được thứ nước lờ lợ nhiễm mặn, phèn. “Mỗi đợt bơm lọc, cả nhà xài khoảng 5 ngày, nhưng chỉ dám tắm táp, giặt giũ, nấu nướng thôi. Chứ nước uống phải lên gánh ở xóm trên, kẹt quá thì mua nước đóng bình. Từ ngày phải bơm giếng khoan, lọc bể mỗi tháng tốn thêm khoảng 40-50 ngàn đồng tiền điện nữa”, bà Thắm than.
Ông Nguyễn Văn Hiệp cung cấp danh sách các xóm bị “mất nước kinh niên”- hậu quả của nạn khai thác titan khiến mực nước ngầm sụt giảm: “Hưng Hội, Hưng Thạnh, Hưng Trung, Hưng Bình… chỗ nào cũng có vấn đề. Toàn thôn có khoảng 250 hộ thì 80-90% hộ sống ở phía triền khai thác titan có nguồn nước bị nhiễm phèn hoặc đứt mạch hẳn, nhất là ở khu vực từ Bàu Nước giáp xuống dưới xóm Hưng Tân. Trước, khoan chừng 5-6 m nước tràn lai láng rồi, giờ sâu xuống cả chục mét chẳng thấy đâu, nếu có cũng bị phèn, mặn”.
Bao giờ trở lại ngày xưa?
Theo ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, trên địa bàn xã có 16 DN được Bộ TN&MT lẫn UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản titan với tổng diện tích 1.072,82 ha. Trong đó, UBND tỉnh cho thuê 543,04 ha để khai thác, đến nay các DN khai thác xong 567,88ha, hoàn thổ trồng rừng được 299,75 ha.
Giở báo cáo tiến độ san gạt, hoàn thổ và trồng rừng của các công ty (Cty) khai thác khoáng sản trên địa bàn xã mới ký ngày 31.7.2015, ông Hải ngao ngán: “Giấy phép khai thác đã hết hạn, DN tháo chạy trong khi hoàn thổ san gạt, trồng rừng còn chưa đến đâu. Ngoài các DN được Bộ TN-MT cấp phép (Cty TNHH Phú Hiệp, Cty TNHH TM Ánh Vy, Cty cổ phần Khoáng sản Biotan) thực hiện tương đối tốt thì các DN còn lại đều làm rất miễn cưỡng, đối phó. Thẩm quyền xử phạt của xã tối đa chỉ 5 triệu đồng mà DN ở tận đẩu tận đâu nên chẳng làm được gì, chỉ phán ánh, kiến nghị lên cấp trên. Tỉnh, huyện hối thúc lắm DN mới san ủi qua loa rồi nói xã lên nghiệm thu nhưng chúng tôi không chấp nhận”.
Như - ông dẫn chứng - Cty TNHH Mỹ Tài được cấp 4 giấy phép khai thác với tổng diện tích 41,67 ha nhưng mới san ủi, hoàn thổ trồng rừng 13,9 ha; số còn lại đã hoàn thổ nhưng chưa trồng rừng hoặc hoàn thổ chưa đạt yêu cầu. Thậm chí một số DN chưa hề có một động thái nào gọi là thực hiện cam kết, như: Cty Cổ phần Kim Triều đã khai thác được 100 ha trên tổng diện tích 113,27 ha; Cty cổ phần Khoáng sản Mỹ Đức (đã khai thác hết 9,8ha được cấp phép). Một số DN khác như Cty Cổ phần An Trường An, Cty cổ phần Thời Thuận, Cty TNHH Vạn Đại... tuy có san ủi, hoàn thổ mặt bằng nhưng chưa thực hiện trồng rừng hoặc nếu có thì cũng rất nhỏ so với diện tích đã khai thác. Đặc biệt, Cty An Trường An còn để lại hố nước sâu khoảng 1,5 ha.
Ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành:
DN hứa khai thác xong titan là hoàn thổ, trồng cây trả lại mặt bằng nhưng thực tế là bỏ vãi. Bao nhiêu năm mang vác gánh nặng môi trường, cuối cùng được cái gì đâu. Nhìn quanh mấy xã khác người ta “lên” nông thôn mới rần rần, còn Mỹ Thành lẹt đẹt chờ đợt 2, sau năm 2020.
Ông Hồ Mạnh Cường, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phù Mỹ, xác nhận: Việc thực hiện hoàn thổ, trồng cây mạnh nhất là vào năm 2013. DN được cấp phép khai thác diện tích lớn thực hiện tương đối tốt, trong khi các DN được cấp phép nhỏ lẻ theo kiểu tận thu thì ngược lại. Cũng theo kế hoạch năm 2015 sẽ thực hiện xong việc hoàn thổ, trồng rừng tại xã Mỹ Thành. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc đôn đốc, xử các DN không thực hiện hoặc chậm hoàn thổ, trồng rừng rất khó khăn vì thẩm quyền xử lý không thuộc về cấp huyện mà là ở cấp tỉnh, cụ thể là Sở TN-MT, Sở NN&PTNT. “Địa phương chúng tôi liên hệ với các DN còn khó nói gì đến việc xử lý trách nhiệm, như Cty Cổ phần Kim Triều hay Cty cổ phần đầu tư tài nguyên Đất Việt (Cty Đất Việt), có bao giờ gặp họ được đâu”, ông Cường nói thêm.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT, khẳng định việc hoàn thổ, trả lại mặt bằng trách nhiệm thuộc về Sở TN-MT; còn việc trồng rừng tốt hay không tốt thuộc về trách nhiệm của ngành NN&PTNT. Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản hướng dẫn các DN mua cây giống có chất lượng, trồng rừng đúng theo quy định. Ông Dũng cũng cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế, bên cạnh các DN hoàn thổ làm tốt trồng rừng, vẫn còn có những DN làm chưa đạt yêu cầu.
Trong kỳ họp HĐND vừa qua, đại biểu HĐND huyện Phù Mỹ cũng đã chất vấn về việc khi nào các DN thực hiện xong việc hoàn thổ, trồng rừng tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Khi ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT hứa: “Đến cuối tháng 8” thì Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng đã gặng hỏi: “Tháng 8 là tháng 8 nào vì trước đây tôi cũng nghe trả lời là tháng 8”, thì ông Thành khẳng định: “Cuối tháng 8.2015”.
Tuy nhiên từ thực tế chứng kiến tại xã Mỹ Thành, dư luận không khỏi nghi ngờ liệu tiến độ hoàn thổ, trồng rừng sẽ hoàn thành trong năm 2015 như dự kiến? Trước sự chây ỳ, bất hợp tác trong việc hoàn thổ, trồng rừng của Cty Cổ phần Kim Triều và Cty cổ phần An Trường An, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt mỗi DN 350 triệu đồng. Riêng Cty Đất Việt, tỉnh cho phép áp dụng cơ chế dùng tiền ký quỹ môi trường khắc phục hậu quả.
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề “hậu titan”, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT, cũng cho rằng, việc hậu kiểm, xử lý khai thác titan trong thời gian trước còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp chứ không riêng gì ngành TN-MT. “Hiện nay, Sở TN-MT đang chuẩn bị đoàn kiểm tra việc DN hoàn thổ, phục hồi rừng tại mỏ titan đã khai thác, căn cứ vào đó Sở sẽ đề xuất tỉnh có hướng xử lý thích hợp. Đối với DN cố tình không thực hiện sẽ đề xuất sử dụng quỹ Bảo vệ môi trường mà DN nộp trước đó để thực hiện việc hoàn thổ, trồng cây”, ông Thành nói.
Nhiều Cty chưa chấp hành đúng theo quy trình khai thác và báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND xã đã nhắc nhở nhưng không chấp hành (Cty cổ phần Thời Thuận, Cty cổ phần Kim Triều, Cty cổ phần An Trường An).
Một số Cty không phối hợp làm việc với UBND xã (Cty cổ phần Thời Thuận, Cty cổ phần An Trường An, Cty cổ phần khai thác mỏ Tự Lực, Cty TNHH XDHT Nhơn Lộc, Cty cổ phần Kim Triều).
(Trích báo cáo của UBND xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ)
THU HÀ
Trước tiên chưa cần nói đên cty khai thác làm chi, ''Bao nhiêu năm mang vác gánh nặng môi trường, cuối cùng được cái gì đâu'' đúng là dân ko được cái gì hết, có câu '' cán bộ là đầy tớ của dân,vậy ở xã Mỹ Thành mấy ông cán bộ xã mỹ thành là đầy tớ của dân Mỹ Thành là chính xác( dân Mỹ Thành là '' Chủ'' còn cán bộ xã mỹ thành là '' đầy tớ'', vậy dân mỹ thành giàu thì xã Mỹ Thành mới lớn mạnh đúng ko bạn đọc. Đằng này dân thì ngày càng chậm phát triển nên ''Nhìn quanh mấy xã khác người ta “lên” nông thôn mới rần rần, còn Mỹ Thành lẹt đẹt chờ đợt 2, sau năm 2020'' (trích câu nói của ông ngô hải). các bạn cứ nghĩ đi dân là '' Chủ'' ngày càng ốm yếu còn mấy ông cán bộ xã là ''Đầy tớ'' thì ngày càng mập và giàu lên từng ngày => vậy thử hỏi các bạn đọc '' Chủ'' thì nghèo ốm yếu còn ''đầy tớ'' ngày càng ''mập và giàu lên thì chẳng phải ''đầy tớ'' '' ăn tạp, ăn bẩn của dân đen nên mới như vậy phải ko bạn đọc.
Ngày xưa khai thác Ti Tan dân không đồng ý vì ảnh hưởng môi trường sống thì bắt bớ ... Giờ quậy tung lên đổ ra ô nhiểm thì đổ thừa đá bóng qua lại ... Ngẫm nghỉ mà buồn cho thế hệ mai sau lảnh đủ
Doanh nghiệp " ăn xong thi cứ việc chùi mép và bỏ chạy" hậu quả còn lại Dân địa phương lãnh đủ.