Cát Hanh: Nông dân Vinh Kiên thiếu nước sản xuất
Từ khi tuyến kênh mương nội đồng qua thôn Vinh Kiên (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) được đầu tư xây dựng, nhiều diện tích đất canh tác lúa tại khu vực Ðồng Soi Vinh Lạc - thuộc xóm Vinh Lạc, thôn Vinh Kiên - bỗng dưng thiếu nước sản xuất trầm trọng. Nghịch lý này khiến người dân địa phương rất khổ trong việc tìm nguồn nước phục vụ nhu cầu canh tác, sản xuất lúa và hoa màu.
Nông dân khổ vì thiếu nước
Khoảng năm 2011 - 2012, khi tuyến kênh mương nội đồng qua thôn Vinh Kiên được nhà nước đầu tư xây dựng, bà con nông dân có diện tích đất lúa tại cánh đồng tục danh Đồng Soi Vinh Lạc gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, canh tác. Có nghịch lý này là bởi hệ thống kênh mương quá nhỏ, khu vực Đồng Soi Vinh Lạc lại nằm ở hạ nguồn của tuyến mương; đặc biệt, quá trình thi công, đơn vị thực hiện “cân” không đều, khiến thượng nguồn tuyến mương thấp hơn hạ nguồn, nên việc dẫn nước vào đồng để tưới cho ruộng lúa gặp bất lợi, khó khăn.
Lượng nước không đủ tưới cho đồng ruộng nên hơn 3 năm qua, bà con nông dân đành bỏ hoang nhiều diện tích đất sản xuất lúa tại khu vực Đồng Soi Vinh Lạc. Đáng nói, hầu hết diện tích đất bỏ hoang đều do người dân đứng ra đấu thầu (đấu thầu từ năm 2011, có thời hạn 5 năm) với mức 90kg lúa/sào/năm để canh tác, sản xuất. Do bỏ hoang quá lâu, hiện nay, nhiều diện tích đất lúa bị cỏ dại, cây mai dương xâm chiếm, mọc um tùm khắp nơi. Thực trạng này khiến rất nhiều người dân xót ruột, bởi ruộng lúa bỏ hoang, còn tiền đấu thầu thì mỗi năm đều phải nộp đủ.
Ông Hồ Văn, một người dân ở xóm Vinh Lạc, than thở: “Nhà tui đấu thầu 5 sào ruộng để canh tác lúa, nhưng do nguồn nước tưới không đủ nên thất bát; nhiều vụ lỗ tiền công, tiền phân, tiền thuốc. Không muốn bỏ hoang đất, tui chuyển sang trồng bắp nhưng cũng chẳng hơn; để có đủ nước tưới, tui phải khoan giếng, rồi dùng điện bơm nước tưới. Khổ nổi, điện ở đây quá yếu, bơm nước không đủ tưới nên bắp thiếu nước, năng suất quá kém. Khốn nỗi, ở nông thôn mà không làm lúa, làm màu thì biết làm gì…”.
Không riêng gì ông Văn, mà tại xóm Vinh Lạc, rất nhiều bà con nông dân cũng rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” tương tự. Trong đó, một số người còn bi đát hơn, đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Đình Huyện. Ông Huyện ta thán: “Tui đấu thầu gần 1 mẫu ruộng (5.000m2 - PV), nhưng mấy năm qua không có nước phục vụ canh tác nên đành bỏ đất hoang; giờ đất ruộng chẳng khác gì đất đồi bởi cây, cỏ dại mọc um tùm khắp nơi. Bỏ thì bỏ, nhưng mỗi năm phải nộp phí đấu thầu với số tiền 8 triệu đồng”.
Chính quyền chưa khắc phục kịp thời
Chúng tôi được biết, hiện nay một số người dân ở xóm Vinh Lạc “tiếc đất, tiếc tiền” nên linh động chuyển diện tích đất lúa tại khu vực Đồng Soi Vinh Lạc sang làm màu (chủ yếu trồng bắp). Thế nhưng, để có đủ nguồn nước tưới, hầu hết bà con nông dân đều sử dụng nước giếng khoan. Trong khi đó, nguồn nước ngầm tại đây đang cạn kiệt do hệ lụy của việc khai thác cát tràn lan, quá mức tại sông La Tinh làm nhiều giếng khoan cạn nước.
Theo cán bộ Ban nhân dân thôn Vinh Kiên, thì: Thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nguồn điện dân dụng quá yếu là 2 nỗi khổ mà người dân xóm Vinh Lạc nói riêng, thôn Vinh Kiên nói chung phải chịu đựng trong thời gian dài. Qua tiếp xúc cử tri hội đồng nhân dân các cấp, đại diện xóm, thôn nhiều lần kiến nghị cấp trên có biện pháp khắc phục, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có gì chuyển biến.
Ông Nguyễn Tẫn - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho biết: Trước mắt, xã đã cử cán bộ nông nghiệp trực tiếp phân ban, ưu tiên cung cấp nước tưới cho cánh đồng này. Về lâu dài, xã sẽ kiến nghị huyện và ngành liên quan xem xét, đầu tư mở rộng tuyến kênh mương qua khu vực xóm Vinh Lạc để giải quyết khâu thiếu nước tưới, phục vụ sản xuất lúa, hoa màu của người dân địa phương.
Người dân nơi đây đang rất mong mỏi chính quyền địa phương, các cấp, các ngành chức năng liên quan sớm kiểm tra, khảo sát để tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả nhất; tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân yên tâm canh tác, sản xuất, ổn định cuộc sống.
VĂN LỰC