Cụ Đoàn Văn Vin và cây đàn Goong
Cụ Đoàn Văn Vin (94 tuổi, làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) là một trong số ít nghệ nhân còn lưu giữ cách thức chế tạo và chơi đàn Goong - một loại nhạc cụ dân tộc độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm Hroi.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ ông Đoàn Văn Vin vẫn miệt mài với niềm đam mê bình dị của mình. Đó là được chơi đàn Goong, được nghe âm thanh trầm bổng phát ra từ cây đàn Goong do mình “sáng chế”.
Cụ Đoàn Văn Vin bên cây đàn Goong.
Sau khi gảy cho chúng tôi thưởng thức bản nhạc rộn ràng, vui tươi “Chào khách” và “Mùng 10 tháng 3 - Tết người Chăm”, cụ Vin tay run run rót trà mời chúng tôi rồi chậm rãi nói: “Cây đàn Goong gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người Chăm Hroi chúng tôi. Thanh niên mới 14-15 tuổi đã biết chơi đàn. Tôi học đàn từ cha tôi, ông Đoàn Văn Lởi, một nghệ nhân có tiếng thời bấy giờ”.
Theo cụ Vin, nguyên liệu chính dùng để làm đàn Goong là loại cây lồ ô (tạo độ nảy, dẻo). Cấu tạo gồm: bầu (phát âm thanh), dây đàn (làm từ cọng dây thắng xe), bộ phận tăng giảm âm (cây lõi)... Để có vật liệu làm đàn, phải đi cả ngày trời vào rừng già để tìm; rồi chế tạo đàn khoảng một tuần. Đàn Goong thường đem chơi vào các dịp lễ hội, lên nương rẫy, đám cưới, nhảy múa, sinh hoạt làng. Âm thanh đàn to nhỏ phụ thuộc vào kích thước chiếc bầu to hay nhỏ. Đàn Goong có nhiều loại, nhưng phổ biến có 3 loại: 5 dây, 6 dây, 12 dây. Nghệ nhân Đoàn Văn Vin không chỉ nắm vững cách thức chế tạo đàn Goong, lấy âm cho đàn, chơi đàn mà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ địa phương và truyền dạy đàn Goong cho lớp trẻ.
Con gái cụ Vin là bà Đoàn Thị Lọ (43 tuổi), tự hào chia sẻ: “Mặc dù ở độ tuổi xế chiều nhưng cha tôi vẫn gắn bó với cây đàn Goong. Ông không chỉ chơi đàn hay mà còn tận tâm chỉ dạy cho con cháu trong nhà và lũ trẻ quanh làng. Bản thân tôi cũng biết hát và gảy bài Mùng 10 tháng 3 - Tết người Chăm”.
Ngoài cụ Đoàn Văn Vin, hiện nay ở Vân Canh còn một số người như ông Y - Ka - Lây (người cùng làng), ông Đoàn Văn Đẹn (làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp), anh Đinh Văn Thu (làng Cà Xiêm)… biết chơi đàn Goong. Đó là tín hiệu đáng mừng cho việc nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh.
Nhận xét về nghệ nhân Đoàn Văn Vin, ông Phạm Thành Tuyên, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh, cho biết: “Cụ Vin là một trong những nghệ nhân cao tuổi và tâm huyết với loại hình nghệ thuật truyền thống. Sắp tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch tổ chức tuyên truyền và nhân rộng việc giữ gìn và phát huy nhạc cụ này ở địa phương”.
KIM CƯƠNG