Công tác quản lý VSATTP trên địa bàn tỉnh:
Tăng cường trách nhiệm, chú trọng “hậu kiểm”
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề thiết thân đối với mỗi người, mỗi gia đình. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về VSATTP, nhiều tồn tại, khó khăn đang từng bước được quan tâm tháo gỡ.
Ngày 11.8, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng ký ban hành Quyết định số 2804/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về VSATTP. Theo đó, Ban chỉ đạo có 17 thành viên, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thanh Thắng làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung làm Phó trưởng ban Thường trực. Tổ giúp việc gồm 6 thành viên, do Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Trần Thị Ánh Hồng làm Tổ trưởng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ngoài cùng bên trái) cùng Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP nhân dịp Trung thu 2015 tại TP Quy Nhơn.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, sự thay đổi trong công tác quản lý Nhà nước về VSATTP thể hiện ngay từ cơ cấu, thành phần Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc mới được kiện toàn. Thực tế công tác quản lý VSATTP cần có sự tham gia của nhiều ngành, hội đoàn thể, nên Ban chỉ đạo lần này có bổ sung đại diện LĐLĐ tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh. Đáng chú ý, Tổ giúp việc được bổ sung lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường (thuộc Sở Công Thương) - đơn vị có hệ thống quản lý ngành dọc nắm chắc các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
* Được biết, trước khi có quyết định nói trên, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với đại diện các sở, ngành liên quan. Những khó khăn, vướng mắc nào trong công tác quản lý VSATTP đã được đề cập tại cuộc họp này?
- Đó là một cuộc họp với không khí cởi mở, thẳng thắn. Lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã có rất nhiều ý kiến phân tích những khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về VSATTP. Kinh phí hoạt động ở tuyến cơ sở còn thiếu, nhiều địa phương còn trông chờ vào nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia. Ngành Công Thương và NN&PTNT chưa có sự phân cấp quản lý tại tuyến cơ sở. Giữa các ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra. Các quầy hàng ăn uống, kinh doanh nhỏ lẻ theo hộ gia đình không đăng ký kinh doanh, khó quản lý…
* Lâu nay, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, quản lý VSATTP là chuyện “cha chung không ai khóc”. Cùng với những thay đổi về nhân sự, Ban chỉ đạo có những giải pháp cụ thể nào để khắc phục khó khăn, tăng cường hiệu quả thanh tra, giám sát, đảm bảo chất lượng VSATTP?
- Theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9.4.2014 hướng dẫn việc phân công phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP, các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của các ngành Y tế, Công Thương, NN&PTNT được quy định rất rõ ràng, chứ không còn chung chung dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả thanh tra, giám sát, đảm bảo chất lượng VSATTP, chúng tôi xác định việc thành lập các đoàn thanh tra liên ngành phải được cân nhắc kỹ, đảm bảo thành viên của các đoàn là người có trách nhiệm liên quan trực tiếp. Trong hoạt động thanh tra, bên cạnh việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm, cần thiết phải chú trọng khâu “hậu kiểm”, xem các cơ sở khắc phục sai phạm như thế nào. Quá trình thanh kiểm tra cần phối hợp với hướng dẫn, tuyên truyền kiến thức về VSATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tại cấp huyện, xã cần tăng cường thanh kiểm tra theo phân cấp quản lý.
* Các giải pháp ấy thể hiện như thế nào trong đợt thanh tra VSATTP nhân dịp Tết Trung thu năm nay, thưa bà?
- Trong đợt thanh kiểm tra VSATTP nhân dịp Tết Trung thu năm nay, Ban chỉ đạo đã thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành. Mỗi đoàn có 6 thành viên, các trưởng đoàn là lãnh đạo 3 chi cục: An toàn vệ sinh thực phẩm, Quản lý thị trường, Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, thực hiện theo chế độ bảo mật trong hoạt động thanh kiểm tra theo quy định của pháp luật. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tham gia đoàn thanh tra liên ngành về VSATTP tỉnh.
Bên cạnh đó, sẽ chú trọng hoạt động lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm có nghi ngờ về chất lượng. Tuyệt đối không để các cơ sở thực phẩm có sai phạm tiếp tục hoạt động khi chưa có biện pháp khắc phục. Việc theo dõi quá trình khắc phục vi phạm, bổ sung các thủ tục còn thiếu được giao cho các chi cục nơi có cơ sở thanh tra.
* Xin cảm ơn bà!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)