Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh: Dạy hát dân ca Bana cho học sinh
Năm học 2015-2016, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục thực hiện Dự án nghiên cứu khoa học, đưa dân ca của người Bana Kriêm vào chương trình giảng dạy trong nhà trường, nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
1.
Đối với cộng đồng người Bana Kriêm, hát dân ca rất quan trọng, nó thân quen và gần gũi như cái rựa khi đi phát rẫy, cái gùi cõng đồ dùng, như nước uống, khí thở hằng ngày. Sau một ngày lao động vất vả, vài gia đình trong làng đổ rượu ghè mời nhau uống. Trong men rượu cần, mọi người cùng nhau hát múa. Những bài hát mộc mạc mang nội dung ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi tình yêu, quê hương giàu đẹp. Đã bao đời nay, dân ca đã gắn liền với cuộc sống lao động cần cù, tình yêu chân chất của người Bana Kriêm bên dòng Krông Bung. Bài dân ca của người Bana không dài như những bài trường ca Hơmon, đa phần là ngắn, câu từ mộc mạc, hát lên ai cũng hiểu và dễ thuộc.
Ông Đinh Y Băng, một nghệ nhân người Bana trăn trở: “Trong những năm gần đây, nhiều luồng văn hóa, văn nghệ ngoại lai tràn vào mang nhiều cái tốt, nhưng cái chưa tốt cũng không ít. Nền văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm bị xáo trộn, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, các tập tục sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt lễ hội, sinh hoạt cộng đồng mất dần”. Thực trạng trong những ngày tổ chức lễ hội lớn của dân làng đã vắng dần những bài dân ca quen thuộc. Một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng người Bana Kriêm, nhất là thanh, thiếu niên không còn mặn mà gì với văn hóa, văn nghệ truyền thống, lãng quên những bài dân ca của ông bà, tổ tiên để lại.
2.
Ông Từ Kim Lân, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh, cho biết: “Từ năm học 2014-2015, nhà trường đã dành một phòng học để làm Phòng bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm. Các thầy cô giáo và học sinh đã xuống các làng sưu tầm và đã thu thập được khá nhiều hiện vật đem về trưng bày tại Phòng truyền thống. Cùng với đó, nhà trường mời nghệ nhân Bana và mở lớp truyền dạy cho các em học sinh về cách sử dụng một số nhạc cụ, một số động tác múa cơ bản và theo học lớp dạy hát một số làn điệu dân ca truyền thống quen thuộc, ngắn, dễ hiểu, dễ thuộc của dân tộc mình”.
Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh chủ trương đưa dự án nghiên cứu khoa học dân ca Bana Kriêm đến với học sinh là một trong những cơ sở, nhân tố tích cực trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống ở địa phương. Ông Yang Danh, nhà nghiên cứu văn hóa Bana và cũng là người trực tiếp phụ trách việc truyền dạy cho các em, chia sẻ: “Đưa dân ca Bana vào dạy trong nhà trường là cách nghĩ, cách làm đúng đắn và thiết thực được nhân dân, nhất là các phụ huynh học sinh, các nghệ nhân đã nhiều năm gắn bó với nền văn hóa, văn nghệ truyền thống của người Bana Kriêm hết sức đồng tình và ủng hộ”.
“Năm học 2015 - 2016, Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh tiếp tục thực hiện Dự án đưa dân ca Bana vào giảng dạy ở các lớp, làm cho các em nhận thức giá trị văn hóa truyền thống qua thực tế, thấy cái hay, cái đẹp trong làn điệu các bài hát. Mỗi học sinh phải thuộc lòng nhiều bài dân ca là cách tốt nhất để bảo tồn, phát huy vốn quý của văn hóa người Bana Kriêm đã tồn tại và lưu truyền qua bao đời…”, Hiệu trưởng Từ Kim Lân cho biết thêm.
Kết quả phát phiếu thăm dò 416 học sinh trong Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh về câu hỏi: Bạn có thường xuyên nghe hát dân ca Bana Kriêm ở địa phương không? Có 17% học sinh trả lời thường xuyên có, 57% học sinh trả lời thỉnh thoảng có, 26% học sinh trả lời chưa được nghe lần nào.
XUÂN DŨNG