TỪ ÐẠI HỘI ÐẾN ÐẠI HỘI
Nhiệm kỳ 1955 - 1960 (do Liên Khu ủy chỉ định) và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ V (1960 - 1964)
Nhiệm kỳ 1955 - 1960 (do Liên Khu ủy chỉ định)
Đầu tháng 5.1955, Liên Khu ủy 5 chính thức công nhận Tỉnh ủy Bình Định gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hồng Châu (Năm Phổ) làm Bí thư và đồng chí Mai Dương làm Phó bí thư.
Trong thời gian hơn 8 tháng (9.1954 - 4.1955), Đảng bộ đã khẩn trương hoàn thành một khối lượng công việc nặng nề và cấp bách chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
Về tư tưởng, Đảng bộ đã mở 2 đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn (cuối tháng 8.1954 và tháng 2.1955) cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 22.7.1954), nội dung Hiệp định Giơnevơ, Nghị quyết của Bộ Chính trị (ngày 15.9.1954) nhằm củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổ chức lựa chọn, sắp xếp và xây dựng hệ thống cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng từ tỉnh xuống xã một cách gọn nhẹ. Ở tỉnh có các bộ phận giúp việc cho cấp ủy (văn phòng, bảo vệ, giao thông...). Mỗi huyện, thị từ 6 đến 25 cán bộ, có huyện ủy, thị ủy và các chi bộ khu vực.
Về nhiệm vụ công tác trước mắt của Đảng bộ, căn cứ vào chủ trương của Trung ương và của Liên Khu ủy, Hội nghị chủ trương: Tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ và cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng thời chú ý lãnh đạo nhân dân chống địch khủng bố, đàn áp quần chúng, nhất là bắt bớ, trả thù những người tham gia kháng chiến chống Pháp.
Chỉ một thời gian ngắn, rất khẩn trương, trước những khó khăn và phức tạp, Đảng bộ cùng lúc đã triển khai nhiều công tác quan trọng, vừa mới mẻ, vừa cấp bách. Đó là những cố gắng lớn và cũng là thành công của Đảng bộ trong buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở địa phương. Thành công nhất là đã xây dựng được hệ thống tổ chức bí mật từ tỉnh xuống cơ sở, làm hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương trong thời kỳ mới.
Trong công tác chuẩn bị công khai và bí mật không tránh khỏi những thiếu sót, nhất là việc chuẩn bị chính trị tư tưởng và tổ chức cho số cán bộ, đảng viên trong tổ chức bí mật và cả số hoạt động hợp pháp, còn đơn giản, một chiều, không sát thực tế. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những khó khăn và tổn thất của phong trào địa phương sau này.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ V (1960 - 1964)
Những năm 1955 - 1960, địch đánh phá rất khốc liệt, nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên, cơ sở cách mạng bị địch đánh giết, tù đày tra tấn dã man. Nhưng cán bộ, đảng viên vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng cơ sở và khôi phục phong trào.
Để đưa phong trào toàn tỉnh tiến lên mạnh mẽ, tháng 6.1960 tại Tu-kơ-rông (Vĩnh Thạnh), Đảng bộ Bình Định tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V (lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ), với sự tham dự của 37 đại biểu, thay mặt cho gần 200 đảng viên toàn tỉnh.
Đại hội đã tập trung quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết Hội nghị Liên Khu ủy 5; đánh giá, phân tích toàn diện và sâu sắc phong trào cách mạng địa phương, nhất là kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trong 5 năm 1955-1960. Căn cứ chủ trương của Trung ương và Liên Khu ủy 5, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của tỉnh:
- Ở miền núi đẩy mạnh chiến tranh du kích cục bộ, tiến lên giải phóng toàn bộ các huyện miền núi. Đồng thời ra sức xây dựng miền núi vững mạnh về mọi mặt làm căn cứ địa cho phong trào toàn tỉnh.
- Các huyện đồng bằng, tích cực tiến hành vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kèm, phát triển cơ sở, vận động thanh niên thoát ly lên căn cứ, lập các đội vũ trang công tác. Đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang huyện, tỉnh.
- Đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 11 đồng chí (có 2 dự khuyết, 1 dân tộc thiểu số). Từ đầu năm 1960, đồng chí Mai Dương chuyển công tác khác, Ban Thường vụ Liên Khu ủy chỉ định đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (Tám Tâm) làm Bí thư. Tháng 4.1961, đồng chí Trần Quang Khanh được Liên Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư thay đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là đại hội kết thúc những năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ (1954 - 1960); đồng thời mở ra một giai đoạn đấu tranh rất sôi động, giai đoạn từ khởi nghĩa từng phần tiến lên cuộc chiến tranh nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, cùng quân, dân toàn miền Nam chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.