Chuyện… “mưa là ngập”!
Mấy hôm rày, những ai đọc báo, xem đài đều không khỏi cám cảnh trong lòng với những hình ảnh về chuyện ngập đường, ngập nhà, trôi tài sản… của người dân thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa và một số huyện khác ở tỉnh Đồng Nai.
Nếu như chuyện xảy ra ở các vùng miền núi phía bắc- nơi có địa hình khắc nghiệt thì đã đi một nhẽ. Đằng này, chuyện xảy ra ở các đô thị lớn, có hạ tầng được đầu tư từ nhiều năm với chi phí khổng lồ thì quả là chuyện lạ!
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là chuyện… lạ mà không lạ (!).
Lạ là ở chỗ đô thị được xây dựng ngày càng hiện đại mà mới mưa một ngày, tuy có to thật đấy nhưng vẫn chưa phải là to nhất trong lịch sử tính đến thời điểm này, nhưng mức độ ngập lụt thì chưa từng có và thiệt hại cũng không mấy người nghĩ sẽ xảy ra như thế.
Không lạ là ở chỗ lâu nay đã có nhiều cảnh báo về việc xây dựng đô thị không tuân theo quy hoạch, xây dựng quá đà khiến cho bề mặt khắp nơi đều bị bê tông hóa nhưng mọi việc vẫn cứ diễn ra với mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Thế nên, một khi không còn khả năng tiêu thoát nước tự nhiên tại chỗ, trong khi hệ thống kênh, rạch thoát nước tự nhiên cũng bị lấn chiếm dòng chảy, hệ thống cống tiêu thoát nước thì nghẹt do rác rưởi… thì mức độ ngập tăng lên là tất yếu. Vì thế, tình cảnh phổ biến ở các đô thị hiện nay là hễ cứ mưa là ngập, mưa lớn ngập lớn, mưa nhỏ ngập nhỏ khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, thiệt hại trăm bề.
“Trông người ngẫm ta”! Tuy ở thành phố Quy Nhơn và một số thị xã, thị trấn ở tỉnh ta chưa đến mức bị ngập lụt sau mưa nặng nề như một số đô thị lớn khác, nhưng chuyện mưa là ngập cũng không còn là chuyện xa lạ. Ngay tại Quy Nhơn, là một đô thị ven biển, ven đầm nhưng hiện nay tình trạng ngập úng do tiêu thoát nước không tốt đã và đang có chiều hướng gia tăng. Ngay tuyến đường Hùng Vương là cửa ngõ chính vào trung tâm thành phố, nhưng nhiều đoạn đã ở trong tình trạng thường trực “mưa là ngập”.
Do nhu cầu phát triển đô thị, tình trạng san lấp mặt bằng để hình thành các khu dân cư, khu công nghiệp vẫn đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau là không thể tránh khỏi. Nếu không được quy hoạch, tính toán một cách khoa học, đồng bộ với tầm nhìn dài hạn về nhiều mặt, trong đó có vấn đề tiêu thoát nước để tránh ngập úng, thì hậu quả sau này sẽ rất khó lường. Bài học “nhãn tiền” ở các đô thị phát triển trước như thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa hay Hà Nội… trong những ngày vừa qua đã cho thấy điều đó.
Vì vậy, trong điều kiện còn có thể đánh giá, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, rất mong các cấp có trách nhiệm, các cơ quan chức năng tìm ra các giải pháp tối ưu trong quy hoạch và tổ chức thực hiện, kiểm soát tốt tình hình để việc phát triển đô thị của chúng ta không đi theo “vết xe đổ” của các đô thị khác.
H.Đ