Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa danh nhân Đào Tấn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải phát biểu tại Hội thảo danh nhân Đào Tấn tổ chức ngày 20.8 2015, tại TP Hồ Chí Minh.
Sáng nay (12.9), tại thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, UBND tỉnh tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 170 năm Năm sinh danh nhân văn hóa Đào Tấn. Báo Bình Định trân trọng giới thiệu bài phát biểu của ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về Hậu tổ nghệ thuật tuồng tại Hội thảo danh nhân Đào Tấn tổ chức ngày 20.8 2015, tại TP Hồ Chí Minh.
Từ một thế kỷ qua, Đào Tấn được coi là bậc Hậu tổ của nghệ thuật tuồng, người đã đưa nghệ thuật tuồng lên những đỉnh cao chói lọi, sáng tạo nên những kiệt tác như: Hộ sanh đàn, Cổ thành, Diễn võ đình, Trầm Hương các... Ông đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hơn 40 vở tuồng; trong đó có những vở dài đến hơn 100 hồi với hàng trăm đêm diễn như Vạn bửu trình tường, Quần trân hiến thụy. Ông là tác giả tập sách lý luận sân khấu mang tên Hí trường tùy bút và là người sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên Học bộ đình tại thành Vinh (Nghệ An) và làng Vinh Thạnh quê hương. Đào Tấn còn là tác giả của gần 1.000 bài thơ, từ và tập bút ký Mộng Mai văn sao. Nói chung, di sản nghệ thuật của Đào Tấn để lại cho hậu thế là hết sức phong phú, đồ sộ, ít người sánh kịp.
Xem diễn tuồng, đọc thơ và từ của Đào Tấn, các trí thức học giả Việt Nam nổi tiếng và nhiều thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng như nhiều học giả nổi tiếng thế giới đều thống nhất đánh giá: Đào Tấn là một soạn giả thiên tài, một nhà thơ lớn, nhà hoạt động nghệ thuật toàn diện hiếm có trong lịch sử văn chương nghệ thuật Việt Nam.
Là một vị quan thanh liêm, chính trực, nhân ái, Đào Tấn luôn luôn vì ích nước lợi dân thực thi chức trách của mình. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, trong 10 năm làm Tổng đốc tại xứ Nghệ, Đào Tấn đã che chở, cứu giúp nhiều nghĩa sĩ Cần Vương, tích cực ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, che chở, tạo điều kiện cho nhiều thanh niên yêu nước trẻ tuổi như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương hoạt động. Đào Tấn còn kết thân với các văn thân yêu nước xứ Nghệ như Cao Xuân Dục, Đặng Nguyên Cẩn, có quan hệ mật thiết và là ân nhân của gia đình Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, có nhiều tác động đến ý chí cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta sau này. Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê, Nguyễn Tất Thành và cụ thân sinh nhiều lần từng đến thăm nhà cụ Đào Tấn và có thời gian sống đầy ý nghĩa trên quê hương Bình Định trước khi Người bước vào hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân.
Đặc biệt, cũng trong thời làm Tổng đốc An Tĩnh, vị chính khách kiêm nhà hoạt động tuồng Đào Tấn đã sử dụng tuồng như một thứ vũ khí sắc bén tố cáo sự thối nát của triều đình phong kiến thân Pháp, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cứu nước với các vở diễn như Cổ thành, Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Diễn võ đình, Hộ sanh đàn... sau này trở thành những vở diễn hay nhất, có sức sống lâu bền nhất của ông.
Quê hương Bình Định tự hào là nơi sinh ra Đào Tấn, tự hào đã đóng góp những bậc danh nhân hào kiệt, góp phần tô thắm truyền thống văn hóa Bình Định nói riêng, nền văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam nói chung. Làng Vinh Thạnh, nơi còn lưu lại những di sản của ông, đã vinh hạnh nâng đỡ những bước đi đầu tiên và chính ông đã làm rạng danh cho mảnh đất này, cho nền nghệ thuật hát bội Bình Định.
Một cảnh trong vở Sơn Hậu. (Báo Ảnh Việt Nam)
Thực hiện chủ trương nghiên cứu, bảo tồn, phát huy và tôn vinh các di sản văn hóa, các giá trị nghệ thuật truyền thống mà danh nhân Đào Tấn để lại, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, trên quê hương Bình Định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL), cùng các Bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn, về phong cách nghệ thuật Tuồng Đào Tấn, đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá thấu đáo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về những đóng góp lớn lao của ông cho nghệ thuật, văn học, văn hóa đất nước. Hầu hết các di sản nghệ thuật quan trọng của Đào Tấn đã được các nhà nghiên cứu, học giả không chỉ của tỉnh Bình Định mà cả nước tham gia sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, xuất bản. Đặc biệt là công trình nghiên cứu biên khảo, tập hợp, chú giải công phu về Đào Tấn của nhà nghiên cứu của Vũ Ngọc Liễn gồm bộ 3 tác phẩm: Đào Tấn - Thơ và Từ, Đào Tấn - Tuồng hát Bội và Đào Tấn - qua thư tịch, được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nghệ thuật sân khấu Tuồng, nhiều vở diễn, tác phẩm tuồng của Đào Tấn sáng tác được Nhà hát Tuồng Đào Tấn, nhiều đơn vị nghệ thuật Tuồng trong cả nước và các Đoàn tuồng truyền thống không chuyên trong tỉnh đầu tư dàn dựng, phục hồi và biểu diễn; trong đó có nhiều vở tuồng thầy, tuồng kinh điển được phục hồi vừa phục vụ người xem hôm nay và lưu giữ cho muôn đời sau. Bên cạnh đó, với đội ngũ nghệ sĩ tài năng, lành nghề ở các địa phương trong tỉnh, hiện còn lưu giữ nhiều miếng nghề đặc sắc của Đào Tấn, thể hiện một cách sáng tạo, say mê trong từng vai diễn, hàng đêm vẫn diễn các tích tuồng của Đào Tấn, phục vụ nhân dân các địa phương trong và ngoài tỉnh. Với những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật truyền thống của tỉnh nhà, trong năm 2014 nghệ thuật Hát bội Bình Định, trong đó có phong cách nghệ thuật Tuồng Đào Tấn đã được Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong dịp kỷ niệm 170 năm Năm sinh danh nhân văn hóa Đào Tấn, UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng Đền thờ Đào Tấn trên quê hương Vinh Thạnh của ông. Đây sẽ là nơi nhân dân và du khách gần xa đến tưởng niệm, kính ngưỡng, tôn vinh xứng đáng sự nghiệp, công lao, đóng góp của ông đối với nền văn hóa dân tộc. Công trình do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 10 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và địa phương.
Đặc biệt, di tích Mộ cụ Đào Tấn tại núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1998. Đình làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc-nơi có văn bia thờ Đào Tấn cũng được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Các di tích này đã được các ngành chức năng và chính quyền địa phương gìn giữ, bảo vệ, đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị trong những năm qua. Hàng năm, đến dịp Rằm tháng 7 (Âm lịch), tại nhà thờ họ Đào ở thôn Vinh Thạnh, địa phương và gia đình đều tổ chức trang trọng các hoạt động kỷ niệm ngày mất của ông. Để tên tuổi của Đào Tấn mãi mãi lưu danh, tỉnh Bình Định cũng đã thành lập giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên Đào Tấn - Xuân Diệu, tổ chức xét và trao tặng giải thưởng cho các công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu xuất sắc của văn nghệ sĩ trong thời hạn 5 năm/lần.
Kỷ niệm 170 năm Năm sinh danh nhân Đào Tấn là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn các di sản vô giá của Đào Tấn để lại cho hậu thế, tìm cách bảo tồn và phát huy tốt hơn, có hiệu quả hơn trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước, để các di sản đó mãi mãi thanh xuân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hôm nay và mai sau.
KHOA VĂN (lược ghi)
Đào Tấn, tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, quê ở làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Ông đậu Cử nhân tại trường thi Bình Định năm 1867 và có gần 30 năm làm quan triều Nguyễn qua ba đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái. Bắt đầu từ chức Hiệu thư, chuyên soạn tuồng trong cung thời Tự Đức, ông đã kinh qua các chức vụ như: Tri phủ Quảng Trạch, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Nam Ngãi, Tổng đốc An Tĩnh, Thượng thư các bộ Công, bộ Hình, bộ Binh, rồi về hưu ở quê hương Bình Định và mất đúng ngày Rằm tháng 7 năm 1907.