'Mỹ ủng hộ các quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông'
Ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội: Về vấn đề Biển Đông, phía Hoa Kỳ cũng ủng hộ các quan điểm, lập trường của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên biển...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta vừa kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới lần thứ 4. Nhân dịp này, VOV trao đổi với ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội về những thành quả nổi bật sau chuyến công du đối ngoại tới Hoa Kỳ.
PV: Xin ông Chủ nhiệm cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến công tác lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới lần thứ tư tại New York ?
Ông Trần Văn Hằng
Ông Trần Văn Hằng: Việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Chủ tịch các nước trên thế giới lần thứ tư tại New York là sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Bởi, tại hội nghị này, các Chủ tịch Quốc hội thảo luận các giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trên cơ sở đó, đề ra các các giải pháp ở mỗi nước, đóng góp vào tiến trình chung của Liên Hợp quốc để giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách hiện nay trên toàn thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là người phát biểu thứ tư tại diễn đàn. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá lại quá trình chuẩn bị của Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện Tuyên bố Hà Nội -kết quả từ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 ( IPU 132) tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Tại Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội các nước đánh giá rất cao kết quả và bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về thành công của IPU- 132 cả về công tác tổ chức, chuẩn bị nội dung và đặc biệt là sự thân thiện, mến khách của người dân Việt Nam. Tuyên bố Hà Nội - văn kiện chung của IPU-132 chính là thông điệp của Quốc hội các nước gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc vào cuối tháng 9 năm nay, để cùng đồng hành với Liên Hợp quốc trong xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chuẩn bị các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu các giai đoạn phát triển sau năm 2015.
PV: Sau chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới làn thứ 4 tổ chức tại Trụ sở Liên Hợp quốc, TP.New York, xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội nước ta?
Ông Trần Văn Hằng: Điều đặc biệt của chuyến thăm lần này ở chỗ, đây là lần đầu tiên một Chủ tịch Quốc hội nước ta nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện và của Thượng nghị sỹ John McCain. Tiếp nối thành công từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhằm thể chế hóa và thúc đẩy tiến trình thực hiện những nhận thức chung, những kết quả tốt đẹp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barak Obama đã đạt được.
Mặt khác, chuyến thăm lần này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa nghị viện hai nước lên tầm cao mới. Quan hệ giữa Quốc hội Hoa Kỳ với Quốc hội Việt Nam đã có từ lâu, ngay từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 với nhiều đoàn nghị sỹ, thượng nghị sỹ Hoa Kỳ sang Việt Nam và ngược lại, chúng ta cũng có các đoàn sang để trao đổi kinh nghiệm lập pháp. Đó cũng là những tác động quan trọng trong việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Phải nói rằng, các mục tiêu, các nhiệm vụ đặt ra cho tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ chính là hợp tác cùng phát triển thịnh vượng, vì hòa bình, an ninh ở khu vực, trên thế giới và lợi ích của nhân dân hai nước. Qua chuyến thăm lần này, chúng ta cũng chuyển cho phía Quốc hội Hoa Kỳ thông điệp về chủ trương chính sách nhất quán của Việt Nam, đó là làm bạn với các nước trên thế giới, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
PV: Ông có thể nói rõ hơn những nội dung quan trọng trong lĩnh vực hợp tác cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực được các nhà lãnh đạo Quốc hội hai nước quan tâm?
Ông Trần Văn Hằng: Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng mà hai bên quan tâm. Thứ nhất là tăng cường hợp tác tin cậy lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước. Thứ hai là trao đổi những vấn đề thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; đặc biệt là liên quan đến những vấn đề về an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên biển, vấn đề chống khủng bố, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên đã trao đổi sâu, cùng đưa ra các biện pháp hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu bởi Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong lĩnh vực này.
Về vấn đề Biển Đông, phía Hoa Kỳ cũng ủng hộ các quan điểm, lập trường của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên biển; cho rằng, mọi bất đồng cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn trao đổi với các nghị sỹ ở Thượng viện, Hạ viện Hoa Kỳ, với Thượng nghị sỹ John McCain về những nội dung hai bên cần xúc tiến, đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học- kỹ thuật, công nghệ, thương mại, đầu tư.
Hoa Kỳ hiện là nước thứ bảy đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên so với tiềm năng thì vẫn đang còn chưa tương xứng. Lãnh đạo hai bên cũng thống nhất tăng cường các cuộc trao đổi đoàn; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước cùng giao lưu, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, tăng cường đầu tư vào Việt Nam; mở ra triển vọng mới trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước .
Tại các tiểu bang của Hoa Kỳ, nơi đoàn đến thăm, đều được phía bạn đón tiếp trọng thị, hai bên trao đổi, tìm kiếm cơ hội kết nối hợp tác giữa các địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Đáng chú ý, Quốc hội Hoa Kỳ là Quốc hội có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội lần này, lãnh đạo Quốc hội hai nước đã trao đổi rất sâu những vấn đề liên quan đến chức năng, vai trò, vị trí, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Quốc hội Việt Nam; về công tác tư pháp, để góp phần hoàn thiện các dự thảo luật của Quốc hội liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Đoàn cũng đã tìm hiểu cặn kẽ, trao đổi, tham vấn trực tiếp với đội ngũ những nhà quản lý, các giáo sư hàng đầu tại các trường đại học, bệnh viện danh tiếng thế giới về xu thế phát triển ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia, mở rộng các cơ hội hợp tác, thúc đẩy các thế mạnh phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế đối với Việt Nam.
Một điểm nữa cần nhắc đến là tại các cuộc làm việc chính thức ở thủ đô Hoa Kỳ, qua trao đổi, các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ cũng như Chính phủ Hoa Kỳ và Ngoại trưởng John Kerry đánh giá rất cao Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cho rằng, Hiến pháp năm 2013 là sự đột phá rất mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các nghị sỹ các bang đều đánh giá rất cao tiến trình triển khai Hiến pháp 2013 của Việt Nam.
Với những kết quả to lớn trên nhiều nội dung, lĩnh vực quan trọng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội nước ta đã thành công tốt đẹp; tiếp tục mở ra giai đoạn hợp tác mới, đầy triển vọng, với sự tin cậy cao hơn, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hòa Kỳ, đặc biệt là quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Theo VOV