Bỗng dưng... mất nhớ
Cứ ngỡ suy giảm trí nhớ là bệnh thường gặp ở người già, tuy nhiên do bận rộn, thường xuyên gặp stress trong công việc, người trẻ tuổi cũng có thể bị mắc chứng bệnh này.
Tuổi nào cũng gặp
Thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Khanh (75 tuổi, ở KV4, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) quên nhiều hơn nhớ. Trước khi đi làm, con gái bà là chị Thanh dặn nấu cơm, luộc rau, nhưng nửa tiếng sau bà đã gọi điện hỏi lại, vậy mà bữa trưa vẫn thiếu món rau luộc. Con hỏi, bà bảo “dặn hồi nào đâu mà làm”. Bà cũng thường xuyên nhắc đi nhắc lại một việc nào đó, làm trước quên sau. Đỉnh điểm là mới đây chị Thanh lãnh lương hưu về đưa, chiều bà đếm, cất rất cẩn thận nhưng sáng ra hỏi: “Sao con lãnh lương hưu rồi mà không đưa cho mẹ?”.
Thấy không ổn, chị Thanh đưa mẹ đi khám, bác sĩ chẩn đoán bà Khanh đang trong giai đoạn đầu của bệnh suy giảm trí nhớ ở tuổi già. Ông khuyên người nhà không nên để bà thường xuyên “ngồi không”; trái lại, tạo điều kiện để bà tham gia một số việc lặt vặt, ra ngoài tập thể dục... để tăng cường trí nhớ, tránh bị sa sút trí tuệ. Nghe vậy, chị Thanh nhận ra, sau đợt bà Khanh gãy chân từ năm ngoái, gia đình không dám để bà làm các việc vặt nhiều như trước nữa. Bản thân bà Khanh cũng không dám đi ra ngoài vì sợ té lần nữa, chỉ quẩn quanh trong nhà.
Việc suy giảm trí nhớ ở người già như bà Khanh là điều dễ hiểu. Nhưng trong nhịp sống gấp gáp, bận rộn như hiện nay cộng với lối sống thiếu khoa học, lành mạnh, nhiều người trẻ hiện cũng mắc phải căn bệnh hay quên, suy giảm trí nhớ.
Mới đây, chị Mỹ Hiền (40 tuổi, nhà ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) làm cả nhà “đứng tim” khi làm mất hai sổ đỏ của cha mẹ, không nhớ để ở chỗ nào dẫu đã lục tung tủ các hồ sơ ở công ty rồi ở nhà. “Tôi chỉ nhớ hôm đó ba tôi nhờ cầm sổ đỏ xuống văn phòng sử dụng đất chỉnh lý hồ sơ, rồi không biết mình để đâu nữa, đến khi mẹ tôi hỏi sổ tôi mới nhớ”, chị Hiền kể lại.
Chị Hiền cũng không là một ngoại lệ, bằng chứng là bạn bè, đồng nghiệp và bản thân tôi cũng hay than thở với nhau rằng sao hay quên quá, nói trước quên sau, hoặc mới gặp nhau đây lại chẳng nhớ tên. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, hiện cũng có những người trẻ tuổi như công chức, học sinh hay sinh viên đến khám bởi chứng hay quên dẫn đến làm việc kém hiệu quả, hoặc học bài không nhớ.
Rèn nhớ ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho hay, việc suy giảm trí nhớ ở người già là do quá trình lão hóa làm giảm sút các chức năng của tất cả các bộ phận trong cơ thể, trong đó có các tế bào thần kinh. Trong khi, suy giảm trí nhớ ở người trẻ có thể là do sự tác động của nhiều bệnh lý khác nhau, hay sống quá bận rộn hay thiếu khoa học, lành mạnh (lạm dụng chất kích thích). Bị stress, nhất là phản ứng stress cấp tính cũng có thể dẫn đến việc suy giảm trí nhớ, cụ thể như học sinh sinh viên là áp lực học tập trước mỗi kỳ thi.
Vậy làm thế nào để tránh bỗng dưng bị mất trí nhớ? Theo lời khuyên của bác sĩ Định, khi phát hiện mình hoặc người thân hay quên một cách bất thường hoặc trí nhớ suy giảm nhanh chóng, nên khám bác sĩ để được chẩn đoán sớm, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Đặc biệt với người già, không nên tự tiện uống các loại thuốc bổ não, kích thích thần kinh mà phải được bác sĩ chuyên khoa tư vấn kỹ càng. Ngoài ra, gia đình nên khuyến khích họ luyện trí nhớ bằng cách đọc sách báo, làm việc vặt, tập ghi nhớ nhiều lần (đối với việc gì đó), tập thể dục, tăng cường giao tiếp xã hội... “Quan niệm người già chỉ nên nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cũng không hẳn là hay vì có làm việc, có vận động thường xuyên, cơ thể, trí não mới khỏe mạnh được. Thậm chí, có một cụ ông vẫn hàng ngày luyện học từ mới tiếng Anh để rèn nhớ nữa kia”, bác sĩ Định nói.
Các chuyên gia về thần kinh cũng lưu ý, cần nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh suy giảm trí nhớ để can thiệp ngay từ đầu. Đối với người trẻ, nên thay đổi lối sống để hạn chế áp lực, tránh stress, tạo điều kiện nghỉ ngơi, hạn chế lạm dụng rượu bia. Ngoài ra, cũng nên tăng cường chế độ dinh dưỡng, thực phẩm hợp lý giàu dưỡng chất như sắt, đạm và nguyên tố vi lượng (vitamin E, C, B1, kẽm) hay đọc sách, tập thể dục thể thao thường xuyên. Đối với người hay quên, nên rèn luyện tập ghi nhớ sâu (tập trung cao, đọc kỹ, đọc nhiều lần), ghi ra các việc làm trong ngày, tập để đồ đạc ở một nơi cố định.
Để cải thiện trí nhớ
1. Tập luyện: Tập thể dục là điều đầu tiên nên làm vì tập luyện giúp tim đập nhanh hơn có lợi cho trí óc và tăng khả năng tập trung.
2. Thay đổi thói quen: Hãy thử thực hiện các công việc hàng ngày theo những cách khác so với bình thường một chút, như dùng tay không thuận để đánh răng hoặc đi tới công sở bằng các con đường khác nhau. Cách này sẽ tăng khả năng của não bộ trong việc chống lại các tổn thương liên quan đến quá trình lão làm giảm trí nhớ.
3. Tạo thói quen để đồ đạc một chỗ cố định: Hãy tập thói quen để những vật dụng nhỏ vào một chỗ nhất định. Trước khi bạn định để một đồ vật nào đó xuống, hãy suy nghĩ xem nên để chúng ở đâu.
4. Ăn uống hợp lý: Chế độ ăn lành mạnh và cân bằng gồm nhiều ngũ cốc nguyên cám, protein nạc, hoa quả và rau xanh, ít chất béo và ngọt sẽ rất có lợi cho trí não của bạn.
5. Nghỉ ngơi: Hãy cố gắng nghỉ ngơi sớm hơn một tiếng hoặc ngủ dậy muộn hơn một chút nếu có thể. Nếu không nghỉ ngơi đủ thời gian cần thiết, bạn sẽ không thể tập trung và chú ý, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập và ghi nhớ của bạn.
6. Tin vào khả năng ghi nhớ của bản thân: Cũng như thi đấu thể thao, bạn chỉ làm được khi bạn tin vào bản thân. Việc bạn tin vào bản thân cũng thực sự ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của chính bạn. Hãy tự thưởng cho bản thân nếu bạn ghi nhớ điều gì đó tốt.
NGUYỄN SƠN