Giữ nghề dệt thổ cẩm ở vùng cao Canh Liên
Ở xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh, ngày nay vẫn còn nhiều người phụ nữ gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Họ gìn giữ giá trị văn hóa bản địa này bằng tấm lòng và ý thức sâu sắc.
Trong mỗi nếp nhà sàn, những người phụ nữ Bana vẫn dành thời gian cho khung dệt.
- Trong ảnh: Bà Đinh Thị Bích Liên bên khung dệt thổ cẩm.
1.
Nằm cách biệt với bên ngoài bởi rừng rậm và đèo dốc hiểm trở, nhiều làng ở xã Canh Liên vẫn còn giữ nguyên nét sinh hoạt truyền thống với những sản phẩm thổ cẩm. Trong mỗi nếp nhà sàn, những người phụ nữ Bana vẫn dành thời gian cho khung cửi như một thói quen từ bao đời truyền lại. Họ dệt váy, áo, túi xách, khăn, chăn… để sử dụng trong đời sống hàng ngày, các dịp lễ hội, ngày tết, cưới hỏi...
Cần mẫn và chăm chú bên khung cửi trong một ngày đầu tháng 9, bà Đinh Thị Bích Liên (59 tuổi, ở làng Chồm) dệt áo cho đứa cháu ở dưới thị trấn Vân Canh. Bà khoe, trước Tết nguyên đán Ất Mùi 2015, đã đem tặng cho gia đình người cháu họ một tấm chăn do chính bà dệt. Nhận tấm chăn, người cháu tấm tắc khen, bởi đồ do chính tay bà dệt bao giờ cũng bền, ấm áp tình cảm hơn. Đó cũng là dịp người cháu nhờ bà dệt áo thổ cẩm cho cậu con trai đang học tiểu học, để “cháu biết áo truyền thống của người Bana”.
“Người làng mình vẫn sử dụng cách dệt vải thủ công từ thời bà, mẹ truyền lại. Công đoạn tốn nhiều thời gian nhất là dùng tay luồn con đọi qua từng sợi len và dập nó vào cho khít. Hoa văn đẹp hay xấu, sắc sảo hay giản đơn là phụ thuộc vào công đoạn này. Mỗi người phụ nữ Bana đều có kho hoa văn riêng nằm trong trí nhớ, sự tưởng tượng của họ. Lúc dệt, chỉ việc đi theo trí nhớ ấy mà dệt thôi”, bà Liên khái quát.
Dệt sản phẩm thổ cẩm mất khá nhiều thời gian. Dệt một cái áo mất hơn một tuần, một cái chăn mất hơn một tháng... Hầu hết phụ nữ còn thường xuyên dệt vải đều ở tuổi 40 trở lên. Việc kéo căng một đầu khung dệt bằng lưng, ban đầu làm không ít người ê ẩm. Nhưng rồi ai cũng quen và những người phụ nữ ở các bản làng của xã Canh Liên đã kéo căng nghề dệt truyền thống dân tộc mình qua cùng năm tháng.
2.
Ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên nói, do trắc trở đường sá nên người dân ở các làng chẳng mấy dịp xuống thị trấn để mua bán, trao đổi hàng hóa và ngược lại, tiểu thương cũng chưa tìm về tới các làng xa, chênh lệch giá các loại vải vóc quần áo cũng còn cao. Vì thế, bên cạnh ý thức gìn giữ của người dân, đây là một trong những lý do để các sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm còn chỗ đứng. Người Bana ở Canh Liên dệt thổ cẩm trước hết để phục vụ cho sinh hoạt đời thường, để biếu, tặng chứ chẳng mấy khi đem bán. Trong mỗi ngôi nhà vẫn còn có khung dệt do bà con tự làm bằng tre, gỗ.
Để góp phần giữ gìn và bảo vệ bản sắc truyền thống, năm 2014, xã Canh Liên đã mở một lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho 30 phụ nữ Bana trên địa bàn. Người đứng lớp là người địa phương giàu kinh nghiệm dệt thổ cẩm.
“Thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ địa phương ở hiện tại là không có. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn hướng đến là xây dựng ý thức về nghề truyền thống, giúp nhiều người trẻ mở mang vốn hiểu biết, kỹ năng dệt thổ cẩm. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với những cô gái đã phải rời làng từ sớm để đi học xa”, ông Diễn chia sẻ thêm.
NGUYỄN MUỘI