Quan trọng là khâu thực thi
Một Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông đang được Bộ GTVT lấy ý kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 10 và ban hành vào tháng 12 tới đây theo hướng tăng nặng mức xử phạt để răn đe đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Ví dụ, lái xe ôtô có nồng độ cồn dưới 50mg trong máu hoặc dưới 0,25mg/1 lít khí thở (mức 1) sẽ tăng mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng lên mức 3-5 triệu đồng.Tăng từ 7-8 triệu đồng lên 8-12 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở (mức 2). Đặc biệt, người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước. Đối với người điểu khiển môtô, xe gắn máy, mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay. Vi phạm ở mức 2 sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng và mức 3 là 5-7 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước giấy phép lái xe từ 2-3 tháng.
Các hành vi chở quá tải 150%, mức phạt tiền cũng tăng gấp đôi. Lái xe vi phạm sẽ bị xử phạt từ 14 đến 16 triệu đồng còn chủ phương tiện là cá nhân bị xử phạt từ 18 đến 22 triệu đồng (mức cũ là 16 đến 18 triệu đồng). Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 36 đến 44 triệu đồng so với mức cũ là 32 đến 36 triệu đồng. Với nhóm hành vi vi phạm về tốc độ, mức xử phạt cũng tăng cao theo từng hành vi và mức độ nguy hiểm khác nhau. Trong đó, mức cao nhất là của xe ô tô đi với tốc độ vượt trên 35 km/giờ so với quy định sẽ bị phạt từ 8 đến 12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng…
Nói chung là mức phạt cao hơn nhiều lần so với trước. Điều đó khắc phục được phần nào những bất cập trước đây. Theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật, một trong những nguyên nhân của việc vi phạm kéo dài các qui định về an toàn giao thông (ATGT) là do khung hình phạt của ta hãy còn nhẹ. Việc tăng nặng mức phạt hy vọng sẽ có tác dụng răng đe những kẻ ngông cuồng coi thường pháp luật và coi thường tính mạng của người khác, kể cả tính mạng của chính mình.
Nhưng xem ra như vậy vẫn chưa đủ. Bỡi mức phạt nặng sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó không được thực thi nghiêm túc. Thực tế cho thấy tuy đã có nhiều cố gắng song công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm vẫn chưa thường xuyên và chưa triệt để khiến nhiều người “nhờn” luật. Nhiều người mắt trước mắt sau không thấy cảnh sát giao thông là “vô tư” vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu.
Trong việc kiểm tra xử phạt các hành vi vi phạm vẫn còn có biểu hiện “dễ làm, khó bỏ”; dường như cảnh sát giao thông chỉ tập trung vào những người đi xe mô tô, ô tô, còn các loại phương tiện thô sơ như xích lô, ba gát, xe đạp và nhất là người đi bộ thì hầu như chưa ai đụng đến. Trong khi những đối tượng này vi phạm còn phổ biến hơn và hậu quả để lại cũng hết sức nghiêm trọng.
Đối với người đi xe mô tô cũng chỉ mới tập trung xử lý việc người điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy tờ xe. Còn các hành vi vi phạm khác có khả năng gây nguy hiểm hơn thì lại cho qua như phóng nhanh, vượt ẩu, mang vát cồng kềnh.
Phạt nghiêm không chỉ là phạt nặng mà cái chính là xử phạt triệt để, không được nương nhẹ, chiếu cố thân quen. Hình thức phạt cũng phải tính sao cho có tác dụng giáo dục răn đe đối với mọi đối tượng, chứ không chỉ phạt tiền. Ở nhiều nước, uống rượu lái xe không chỉ bị phạt tiền mà còn bị phạt giam. Ở trong khám dù chỉ một buổi hoặc một ngày, hẳn người vi phạm sẽ rút ra nhiều điều cho bản thân. Các đại gia, các “cậu ấm”, “cô chiêu” lắm của nhiều tiền cũng không thể không đắn đo khi cố tình vi phạm.
Nếu không khắc phục được những nhược điểm này, nếu không thực hiện đầy đủ các qui định về xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, thì dù qui định xử phạt mới có nặng đến mấy cũng khó tạo sự chuyển biến thật sự. Tăng hình phạt mà không tăng khả năng thực thi thì mục đích của Nghị định mới cũng khó mà đạt được
Lập lại trật tự, an toàn giao thông là một mục tiêu, một đòi hỏi bức xúc hiện nay. Và trước khi đòi hỏi nâng cao ý thức của người dân thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người thừa hành công vụ.
Ngọc Minh